Mặc trừng phạt, "đế chế" dầu lửa Nga vẫn lãi đậm
Dù phải "gánh chịu áp lực chưa từng thấy của các yếu tố bất lợi bên ngoài và những biện pháp trừng phạt", tập đoàn Rosneft Oil của Nga vẫn lãi hơn 7 tỷ USD trong nửa đầu năm nay...
Tập đoàn năng lượng Rosneft Oil của Nga vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022. Theo đó, lợi nhuận của tập đoàn tăng 13% lên 432 tỷ Rúp, tương đương khoảng 7,2 tỷ USD, nhờ giá dầu thô tăng mạnh.
Là tập đoàn có vốn đầu tư của Chính phủ và cũng là doanh nghiệp dầu lửa lớn nhất tại Nga, Rosneft cho biết sản lượng dầu trong 6 tháng đầu năm đã tăng 1,5%, theo đó xuất xưởng 4,85 triệu thùng/ngày.
“Rosneft đang gánh chịu áp lực chưa từng thấy của các yếu tố bất lợi bên ngoài và những biện pháp trừng phạt bất hợp pháp”, ông Igor Sechin, Tổng giám đốc (CEO) của Rosneft và cũng là một đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết trong một thông cáo - theo tờ Wall Street Journal.
Lợi nhuận và sản lượng của Rosneft tăng lên đánh dấu sự phục hồi đáng kể của tập đoàn này sau khi rơi vào khủng hoảng trong những ngày đầu chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Nhờ có được các khách hàng lớn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và giá dầu toàn cầu tăng lên, Rosneft đã nhanh chóng phục hồi doanh thu, dù phải bán dầu rẻ hơn so với giá thị trường trên quốc tế.
Điều này cũng cho thấy thách thức mà các chính phủ phương Tây phải đối mặt trong nỗ lực đạt được 2 mục đích: vừa duy trì dòng chảy dầu Nga trên thị trường toàn cầu, vừa giảm nguồn tài chính mà điện Kremlin dùng cho cuộc chiến ở Ukraine. Đến nay, phương Tây đạt được mục tiêu thứ nhất nhưng không mấy thành công với mục tiêu thứ hai.
Dù vậy, Rosneft cũng như ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đang đối mặt với khả năng bị phương Tây áp đặt giá trần với dầu xuất khẩu.
Các bộ trưởng tài chính của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đầu tháng này đã nhất trí áp đặt cơ chế giá trần đối với dầu Nga, nhằm ngăn chặn nguồn thu của Moscow dành cho cuộc chiến tranh ở Ukraine, đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu và tránh được giá dầu leo thang.
Để áp đặt cơ chế này, G7 và các nước cùng tham gia dự định cấm cung cấp các dịch vụ hàng hải như tài chính, bảo hiểm đối với các lô dầu Nga xuất khẩu có giá vượt mức trần.
Sáng kiến do Mỹ dẫn đầu này buộc các khách mua dầu Nga phải tuân thủ giá trần hoặc đối mặt với nguy cơ không thể vận chuyển dầu. Dự kiến sáng kiến này sẽ được đưa vào thực thi trước ngày 5/12 - thời điểm gói trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) với Nga, bao gồm cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển, có hiệu lực.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu Nga sẽ giảm khoảng 1,9 triệu thùng/ngày sau khi các biện pháp trừng phạt mới này của EU được đưa vào thực thi.