09:05 15/03/2022

Nga có thể vỡ nợ sau vài ngày nữa

An Huy

Nga đã phát đi tín hiệu rõ ràng nhất rằng nước này có thể sớm rơi vào tình trạng vỡ nợ, và đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ Nga mất khả năng chi trả các khoản nợ nước ngoài...

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Điện Kremlin/Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Điện Kremlin/Reuters.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói rằng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga, tức là vào khoảng 315 tỷ USD, đã bị đóng băng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine.

Do đó, Chính phủ Nga sẽ thanh toán các khoản nợ đáo hạn cho các chủ nợ từ “những quốc gia không thân thiện” bằng đồng Rúp cho tới khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ - ông Siluanov nói.

MỘT VỤ VỠ NỢ “ĐANG HIỆN HÌNH”

Theo trang CNN Business, các tổ chức đánh giá tín nhiệm có thể dán nhãn “vỡ nợ” lên Nga nếu nước này trễ hạn thanh toán hoặc dùng đồng Rúp hay Nhân dân tệ để thanh toán các khoản nợ phát hành bằng đồng USD hoặc Euro khi các khoản nợ này đáo hạn. Một vụ vỡ nợ cấp quốc gia có thể thúc đẩy một số ít các nhà đầu tư nước ngoài còn lại ở Nga rút khỏi nước này, khiến nền kinh tế đang lao dốc của Nga thêm phần bị cô lập.

Ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase cho rằng một vụ vỡ nợ của Nga có thể xảy ra ngay sớm nhất vào ngày thứ Tư tuần này, khi Moscow đến hạn phải trả hơn 117 triệu USD tiền lãi trái phiếu chính phủ phát hành bằng đồng USD. Từ năm 2018, Nga đã phát hành trái phiếu có thể thanh toán bằng nhiều loại tiền khác nhau, nhưng lô trái phiếu này phải được thanh toán bằng USD.

Hôm Chủ nhật, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói rằng một vụ vỡ nợ của Nga không còn là điều “không thể xảy ra” nữa. “Nga có tiền để trả nợ, nhưng họ không thể tiếp cận tiền đó”, bà Georgieva nói trong chương trình Face the Nation của CBS.

Tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings hạ điểm tín nhiệm đối với trái phiếu Nga, nói rằng sự sẵn sàng và năng lực trả nợ của Nga đã bị xói mòn và một vụ vỡ nợ “đang hiện hình”. Fitch cũng cảnh báo rằng Nga có thể tìm cách thanh toán cho chủ nợ ở một số quốc gia bằng đồng Rúp.

Các nhà phân tích thuộc Capital Economics nói rằng khả năng xảy ra một vụ vỡ nợ của Nga đã được phản ánh vào trái phiếu Nga phát hành bằng đồng USD. Giá của trái phiếu này đã giảm xuống mức chỉ còn 0,2 USD trên mỗi USD mệnh giá.

Số lãi trái phiếu đáo hạn vào ngày thứ Tư tuần này có thời gian ân hạn 30 ngày. Tuy nhiên, các tổ chức đánh giá tín nhiệm có thể tuyên Nga vỡ nợ trước khi kết thúc thời gian ân hạn đó nếu Moscow nói rõ rằng họ không trả được.

Nga có vụ vỡ nợ trái phiếu phát hành trong nước gần đây nhất vào năm 1998, khi nước này rơi vào khủng hoảng tài chính vì giá hàng hoá cơ bản sụt giảm chóng mặt. Còn lần gần nhất nước này vỡ nợ trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ là vào năm 1918, khi lãnh tụ Vladimir Lenin từ chối thanh toán nợ trái phiếu do Sa hoàng phát hành.

HẬU QUẢ SẼ NGHIÊM TRỌNG NHƯ THẾ NÀO?

Một tin tốt là Chính phủ Nga vay nợ khá ít. JPMorgan Chase ước tính rằng ở thời điểm cuối năm 2021, Nga có khoảng 40 tỷ nợ ngoại tệ, trong đó khoảng một nửa nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, những hệ quả tiềm tàng từ một vụ vỡ nợ của Moscow là điều khó cân đong. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và đại dịch Covid-19 đã cho thấy những cú sốc tiêu cực có thể khiến hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu, vốn có mức độ kết nối cao, có thể rung lắc mạnh như thế nào.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các thực thể Nga đang nợ các ngân hàng quốc tế tổng cộng hơn 121 tỷ USD. Trong đó, 84 tỷ USD là tiền vay từ các ngân hàng ở châu Âu, nhiều nhất là từ các ngân hàng của Pháp, Italy và Áo. Các ngân hàng Mỹ đã cho phía Nga vày 14,7 tỷ USD.

Bà Georgieva nói rằng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở thời điểm này là thấp, và nguy cơ lan rộng ảnh hưởng từ các ngân hàng phương Tây ra toàn hệ thống trong trường hợp Nga vỡ nợ là không cao.

Ngay cả khi Nga dừng việc thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài đối với các lô trái phiếu chính phủ, đồng nghĩa với một vụ vỡ nợ khoảng 60 tỷ USD nếu bao gồm cả nợ bằng đồng Rúp phát hành ở nước ngoài, thì sự cố này cũng chỉ tương đương như vụ vỡ nợ của Chính phủ Argentina vào năm 2020 – một sự kiện không gây biến động thị trường tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích thuộc Capital Economics cảnh báo rằng nếu một định chế tài chính lớn nào đó bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi một vụ vỡ nợ của Nga, thì ảnh hưởng có thể loang rộng. Rủi ro thứ hai là một vụ vỡ nợ của Moscow có thể khiến các công ty Nga cũng rơi vào cảnh vỡ nợ theo.

Tuần trước, tỷ phú giàu nhất Nga Vladimir Potanin, kêu gọi Moscow nới lỏng các hạn chế về ngoại tệ để các công ty của nước này có thể thanh toán lãi và gốc đối với các trái phiếu và khoản vay ngoại tệ. Nếu không, có nguy cơ Nga sẽ vỡ nợ hoàn toàn đối với nợ quốc tế, mà theo ước tính của ông Potanin là vào khoảng 480 tỷ USD.

“Đối với Nga, tổn thất chính là bị loại khỏi thị trường vốn toàn cầu, hoặc ít nhất phải vay nợ với chi phí cao hơn trong một khoảng thời gian kéo dài. Các biện pháp trừng phạt đã khiến Nga phải hứng chịu điều này”, một báo cáo của Capital Economics nhận định.