Giới tỷ phú Nga nhanh tay “xử lý” tài sản để tránh bị tịch thu
Các tỷ phú Nga đang vội vã chuyển quyền sở hữu cổ phiếu, rút khỏi các vị trí trong hội đồng quản trị và từ bỏ quyền kiểm soát doanh nghiệp để tránh lệnh trừng phạt từ phương Tây...
Trong đêm ngày 4/3, cảnh sát ở cảng Imperia, khu vực Liguria, Italy đã bao vây siêu du thuyền dài hơn 65m của tỷ phú giàu thứ tư tại Nga - Alexey Mordashov.
Ông Mordashov bị Liên minh châu Âu (EU) đưa vào danh sách trừng phạt vào ngày 28/2, vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Tài sản của ông tại châu Âu – bao gồm siêu du thuyền “Lady M” nói trên – dường như đang bị phong tỏa bởi nhà chức trách các nước châu Âu.
Tuy nhiên, tỷ phú này đã có động thái để bảo vệ tài sản của mình. Ngay trong ngày bị đưa vào danh sách trừng phạt, Mordashov đã chuyển quyền kiểm soát đối với số cổ phần trị giá gần 1,1 tỷ USD tại hãng khai khoáng Nordgold, có trụ sở tại London (Anh) cho vợ mình – bà Marina Mordashova. Ông này cũng chuyển phần lớn số cổ phần trị giá 1,7 tỷ USD tại hãng du lịch TUI AG từ một công ty cổ phần tại Cyprus sang cho một công ty được đăng ký ở British Virgin Islands.
Khi mà giới chức trên khắp thế giới gia tăng áp lực lên giới tinh hoa của Nga nhằm gây áp lực đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, họ thường chỉ nhắm tới các siêu du thuyền, bất động sản xa xỉ, câu lạc bộ thể thao như một dấu hiệu cho thấy những nỗ lực trừng phạt của mình đang mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, sự thật không phải vậy và điều này được tiết lộ qua các báo cáo gửi cơ quan chức năng mà phải mất nhiều ngày mới được công khai. Những báo cáo này cho thấy các tỷ phú Nga đang chuyển quyền sở hữu cổ phiếu, rút khỏi các vị trí trong hội đồng quản trị và từ bỏ quyền kiểm soát doanh nghiệp. Tất cả đều nằm trong cuộc đua đi trước một bước so với các chính phủ Mỹ, Anh, EU và tái cơ cấu tài sản ngay khi còn có thể.
Đơn cử như tỷ phú Mikhail Fridman, người cũng nằm trong danh sách trừng phạt của EU, cùng với Mordashov và cộng sự kinh doanh Petr Aven. Các báo cáo cho thấy Fridman đã nhượng lại quyền kiểm soát tại ít nhất 3 công ty ở Anh – nơi ông không bị trừng phạt – chỉ hai ngày sau bị liệt vào danh sách trừng phạt của EU. Ông này đã chuyển số cổ phần của mình tại các công ty này cho một nhân viên cũ ở LetterOne – công ty đầu tư do ông đồng sáng lập.
Các tỷ phú khác như Vadim Moshkovich và Andrey Melnichenko cũng có động thái tương tự. Ông Moshkovich đã giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại “đế chế” nông nghiệp Ros Agro Plc xuống dưới 50% trước khi các lệnh trừng phạt được áp dụng. Còn Andrey Melnichenko rút tư cách thụ hưởng với số cổ phần trị giá 17 tỷ USD tại nhà sản xuất phân bón EuroChem và nhà cung cấp than Suek từ ngày 9/3 – ngày ông cùng một số người khác bị trừng phạt.
Tuy nhiên, việc này không ngăn được các nhà chức trách Italy tịch thu siêu du thuyền 580 triệu USD của Melnichenko ở Trieste, Italy. Trong một email gửi hãng tin Bloomberg hôm 12/3, người phát ngôn của Melnichenko nói rằng thật vô lý khi ông bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU và ông sẽ phản đối các biện pháp này.
Các biện pháp trừng phạt yêu cầu các ngành công nghiệp phải tuân thủ và các công ty phải nhanh chóng tìm hiểu kỹ các lớp sở hữu doanh nghiệp để tìm kiếm, đóng băng và báo cáo những tài khoản có liên quan. Tại Mỹ, các phát hiện sẽ được chia sẻ với Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài (OFAC).
Theo Howard Mendelsohn, giám đốc phụ trách khách hàng tại Kharon - công ty sử dụng công nghệ và chuyên gia để xây dựng mạng lưới quan hệ xung quanh các bên bị trừng phạt, các tổ chức tài chính có thể mất nhiều thời gian để xác định các tài khoản có liên quan tới một cá nhân bị trừng phạt không được biết đến rộng rãi.
“Những người bị trừng phạt có thể tận dụng điều này để thuê luật sư, cân nhắc thay đổi quyền sở hữu và nhiều biện pháp khác để tẩu tán tài sản”, Mendelsohn nói. “Có thể họ đang nghĩ rằng ‘tôi vẫn còn chút thời gian trước khi ai đó phát hiện tất cả các công ty của tôi. Tôi sẽ tung hỏa mù. Tôi sẽ sang tên các tài sản này cho vợ, con gái, nhân viên… Khi các tài liệu được công khai, tôi sẽ không phải là chủ sở hữu đa số cổ phần’”.
OFAC quy định tài sản và lợi ích kinh tế thuộc sở hữu của các cá nhân bị trừng phạt phải bị phong tỏa nếu như người đó nắm quyền sở hữu từ 50% trở lên. Nhiều tỷ phú đã tận dụng quy định này và giảm tỷ lệ sở hữu của mình xuống dưới ngưỡng 50%.
Đây không phải lần đầu tiên các tỷ phú Nga phải tẩu tán tài sản để tránh bị trừng phạt. Năm 2014, vài ngày trước khi bị đưa vào danh sách trừng phạt liên quan tới cuộc sáp nhập vùng Crimea tại Ukraine của Nga, ông trùm dầu mỏ Gennady Timchenko đã bán gần 50% cổ phần tại một nhà phân phối xăng dầu Thụy Điển.
Còn tỷ phú Oleg Deripaska bị Mỹ trừng phạt vào năm 2018. Để đảm bảo công ty nhôm En+ Group International PJSC của mình được loại bỏ khỏi danh sách của OFAC, ông đã giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại công ty này từ 70% xuống còn 45% thông qua một loạt các giao dịch phức tạp, bao gồm bán đấu giá cổ phần cho một ngân hàng nhà nước, chuyển nhượng cổ phiếu và quyên góp từ thiện. OFAC sau đó đã gỡ bỏ trừng phạt với En+ với lý do đa số thành viên hội đồng quản trị là độc lập.
Một số tỷ phú không kịp xử lý tài sản trước khi lệnh trừng phạt ập đến. Roman Abramovich, chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea (Anh) hôm 2/3 đã rao bán đội bóng này. Tuy nhiên, một tuần sau đó, Chính phủ Anh đã đưa tỷ phú này cùng 6 người Nga khác vào danh sách trừng phạt, khiến đội bóng của ông rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Theo thống kê của Bloomberg, giới siêu giàu Nga đã mất hơn 90 tỷ USD kể từ khi Moscow tiến hành cuộc tấn công Ukraine hôm 24/2.