10:39 30/07/2015

Nga phủ quyết lập tòa án xử vụ MH17

Diệp Vũ

Malaysia nói lá phiếu phủ quyết của Nga đã gửi đi một “thông điệp nguy hiểm”

Một phần hiện trường rơi chuyến bay MH17 ở miền Đông Ukraine.<br>
Một phần hiện trường rơi chuyến bay MH17 ở miền Đông Ukraine.<br>
Nga đã dùng quyền phủ quyết của mình để phản đối nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về việc mở một tòa án quốc tế xét xử những kẻ bị tình nghi bắn hạ chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines ở Ukraine, cách đây hơn một năm.

Trung Quốc, Angola và Venezuela bỏ phiếu trắng, trong khi 11 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an cùng bỏ phiếu thuận đối với nghị quyết nói trên.

Theo hãng tin Bloomberg, trước cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 29/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng Chính phủ Nga sẽ không ủng hộ việc thành lập một tòa án quốc tế do còn “nhiều câu hỏi” chưa có lời giải đáp về bằng chứng trong vụ MH17.

Ngay trước cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Malaysia Liow Liong Lai nói với Hội đồng Bảo an rằng, Malaysia đã soạn thảo bản nghị quyết trước khi có kết luận của cuộc điều tra hình sự do Hà Lan dẫn đầu vào tháng 10 tới, nhằm đảo bảo cuộc điều tra ít chịu tác động nhất có thể từ yếu tố chính trị, và cũng để việc xét xử diễn ra sớm nhất có thể sau khi kết luận điều tra được công bố.

Sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vitaly Churkin nói với Hội đồng Bảo an rằng Nga phản đối sáng kiến thành lập tòa án vụ MH17 bởi việc này là “vội vã, có thể phản tác dụng, và không phù hợp về mặt luật pháp”.

Ông Churkin cũng nói cuộc điều tra với sự tham gia của 5 quốc gia, trong đó Hà Lan giữ vai trò dẫn đầu, nghiêng về phía Ukraine.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Malaysia Liow Liong Lai, lá phiếu phủ quyết của Nga gửi một “thông điệp nguy hiểm về sự bỏ qua cho những kẻ gây ra tội ác khủng khiếp này”.

Nga cáo buộc Ukraine đã bắn hạ chuyến bay MH17 bay ngang qua miền Đông Ukraine vào tháng 7 năm ngoái, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Trong khi đó, Mỹ và Chính phủ Ukraine cho rằng chính lực lượng nổi dậy được Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine mới là tác giả của tấn thảm kịch.

Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện đối với vụ MH17.

Tháng trước, hãng tin CNN dẫn nguồn tin thân cận cho biết, các nhà điều tra Hà Lan nói các bằng chứng phát hiện được cho thấy có liên quan tới lực lượng nổi dậy thân Nga và chính lực lượng này đã phóng một tên lửa từ khu vực do họ kiểm soát khi MH17 bay qua. Cũng theo nguồn tin, chính quyền Ukraine cũng phải gánh một phần trách nhiệm trong vụ này, vì đã cho phép MH17 bay qua vùng chiến sự.

Tổng thống Putin đã chỉ trích mạnh mẽ những thông tin rò rỉ mà ông cho là “có mục đích chính trị rõ ràng”. Ông cũng nói chưa nên đưa ra quyết định nào về xét xử hay trừng phạt những người bị tình nghi cho tới khi nào cuộc điều tra hoàn tất.

Một nhà ngoại giao thuộc Hội đồng Bảo an cho biết, Hà Lan cùng 4 quốc gia khác tham gia điều tra, gồm Malaysia, Australia, Bỉ và Ukraine sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thành lập tòa án quốc tế cho vụ MH17 vào tháng 10 năm nay, thời điểm mà Hà Lan công bố bản báo cáo cuối cùng về cuộc điều tra.

Thủ tướng Australia Julie Bishop nói những kẻ chịu trách nhiệm về vụ MH17 không thể lẩn trốn sau lá phiếu phủ quyết của Nga, và sẽ không thể trốn tránh công lý vì 5 nước điều tra sẽ tìm kiếm một cơ chế khác để đưa tác giả của tấm thảm kịch ra trước vành móng ngựa. Có tất cả 39 công dân Australia có mặt trên MH17.

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin nói nghị quyết của Hội đồng Bảo an không phải để nhằm vào “Nga như một nhà nước tài trợ chủ nghĩa khủng bố” mà là vì 298 con người mà “chúng tôi có nghĩa vụ đạo đức to lớn”.

“Vì họ, chúng tôi sẽ theo đuổi tất cả những gì cần thiết”, ông Klimkin nói.