Ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch Covid "thổi giá" vật tư y tế, lương thực
Tăng cường giám sát chặt chẽ các địa bàn, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tạo cơn sốt ảo nhằm đẩy giá lương thực, vật tư y tế lên cao và thu lời bất chính
Ngày 29/1, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về thực hiện biện pháp chủ động phòng chống dịch Covid-19, Tổng cục Quản lý thị trường có công văn hỏa tốc ngày 27/7/2020 yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục triển khai các nhiệm vụ cấp bách.
Cụ thể, chủ động và phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyến, buôn bán các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, thiết bị y tế... Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, đặc biệt tại các địa phương đang có dịch.
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin các trường hợp lây nhiễm dịch Covid-19 mới xuất hiện trong cộng đồng, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, các Cục Quản lý thị trường Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội đã nhanh chóng phát đi công văn hỏa tốc về việc tăng cường giám sát địa bàn, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng nhằm đẩy giá lên cao và thu lời bất chính.
Tại Quảng Ninh, ngay sau khi có thông tin về các ca nhiễm mới phát hiện trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường triển khai nắm bắt tình hình giá cả thị trường, lương thực, thực phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn trên địa bàn.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom, tích trữ hoặc lợi dụng dịch bệnh để nâng giá, ép giá bất hợp lý đối với các loại hàng hóa này… làm xáo trộn tình hình thị trường trên địa bàn.
Ông Bình cho biết, trong ngày 28/01/2021, tình hình giá cả các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cơ bản ổn định, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Giá khẩu trang trung bình từ 40.000 – 70.000 đồng/hộp, dung dịch sát khuẩn từ 45.000 – 120.000 đồng/lọ. Giá cả lương thực, thực phẩm cũng ổn định, không có hiện tượng người dân tích trữ lương thực. Nguồn cung lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại dồi dào.
Còn tại Hải Dương, ngay trong chiều 28/01, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, giám sát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bất hợp lý. Giám sát chặt chẽ phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bán hàng không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết....
Tương tự tại 2 địa phương Quảng Ninh, Hải Dương, nắm bắt được thông tin về ca dương tính với Covid-19 làm việc tại sân bay Vân Đồn đã từng có lịch trình di chuyển về quê tại Sóc Sơn, Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ngay lập tức chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, các cửa hàng kinh doanh thiết bị, vật tư y tế cũng như các cửa hàng thiết yếu để tránh tình trạng gom hàng, đẩy giá như tình trạng đã từng xẩy ra trước đó.
Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ.