11:21 29/01/2021

Các ca Covid-19 ở Hải Dương liên quan chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm"

Dương Thùy

Những trường hợp ở Hải Dương có liên quan đến một trường hợp được khẳng định tại Nhật Bản đã nhiễm chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm" B.1.1.7

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế ngày 29/1 đã có công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, sau 57 ngày không có dịch trong cộng đồng, ngày 27/1 tại Hải Dương, Quảng Ninh đã phát hiện ổ dịch mới. Trong đó, những trường hợp ở Hải Dương có liên quan đến một trường hợp được khẳng định tại Nhật Bản đã nhiễm chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm" B.1.1.7.

Trước tình hình diễn biến hết sức nghiêm trọng của dịch bệnh Covid - 19, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương, duy trì và siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng. Đặc biệt phải khắc phục ngay các vấn đề tồn tại và tiếp tục rà soát, củng cố thực hiện thật nghiêm các quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh.

Bộ Y tế nhấn mạnh việc nghiêm túc triển khai "Thông điệp 5K" và giao thủ trưởng đơn vị thực hiện xử phạt người không đeo khẩu trang.

Các cơ sở y tế triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm; rà soát lại máy thở và các trang thiết bị khác, cơ số thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch.

Các đơn vị này cũng được giao phối hợp với cơ quan Kiểm soát bệnh dịch các tỉnh (CDC) hoặc các bệnh viện có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế.

Riêng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và đồng bằng sông Hồng, Bộ Y tế đề nghị tổ chức điều trị, phân luồng người bệnh nặng và không có diễn biến nặng, chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết.

Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cấp độ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất.

Ngoài ra, cho lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người bệnh tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và ngẫu nhiên người bệnh nội trú từ 30% trở lên của các khoa còn lại để phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh (có thể áp dụng phương pháp gộp mẫu phù hợp với đánh giá nguy cơ).