15:26 06/06/2011

Ngân hàng “bơm” tiền qua hình thức “tài trợ thương mại”

Ngô Hải

Hàng loạt hợp đồng ký kết tài trợ vốn cho doanh nghiệp đã được các ngân hàng thương mại trong nước và ngân hàng ngoại triển khai

OceanBank vừa triển khai ký hợp đồng tín dụng cho Vietnam Airlines mua động cơ dự phòng cho máy bay Airbus A321.
OceanBank vừa triển khai ký hợp đồng tín dụng cho Vietnam Airlines mua động cơ dự phòng cho máy bay Airbus A321.
Dù không ít ngân hàng vẫn  đang trong cảnh đói vốn, nhưng trong thời gian qua, không ít dự án tốt vẫn đang nhận được những nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng thương mại.

Từ giữa quý 2/2011, hàng loạt hợp đồng ký kết tài trợ vốn cho doanh nghiệp đã được các ngân hàng thương mại trong nước và ngân hàng ngoại triển khai, đa phần những hợp đồng đó được tập trung vào những lĩnh vực kinh tế trọng điểm như: điện, hàng không, dầu khí...

Một trong những ngân hàng thương mại cổ phần trong nước tích cực triển khai các hợp đồng tài trợ tín dụng nhất trong thời gian qua là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank). Sau khi cùng với ngân hàng HSBC thu xếp khoản vốn tín dụng trị giá 400 tỷ đồng, có thời hạn cho vay 7 năm cho dự án xây dựng nhà máy phong điện Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) hồi đầu tháng 5/2011, thì đến cuối tháng 5/2011, OceanBank tiếp tục triển khai ký hợp đồng tín dụng có trị giá 7 triệu USD cho Vietnam Airlines mua động cơ dự phòng cho máy bay Airbus A321 đang được hãng khai thác.

Bà Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc Ocean Bank, cho biết dự án đầu tư mua động cơ máy bay Airbus A321 là hợp đồng tín dụng đầu tiên được thiết lập giữa Vietnam Airlines và OceanBank, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa hai đơn vị trong tương lai.

“Sau thành công của dự án này, OceanBank sẽ mở rộng phạm vi danh mục tài chính ngân hàng phục vụ Vietnam Airlines và các đối tác khác của tổng công ty trong thời gian tới”, bà Thu nói.

Còn mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) đã cùng với 9 ngân hàng thương mại khác được chọn tham gia chương trình “Thúc đẩy tài trợ thương mại” (TFP) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ  chức, nhằm hỗ trợ các hoạt động tài trợ thương mại quốc tế. Chương trình đã đem lại nhiều lợi ích từ mua bán hàng hóa, nguyên vật liệu tới cung ứng các sản phẩm y tế và sản phẩm tiêu dùng..., cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam.

Ông Steven Beck, Giám đốc chương trình TFP của ADB nói, TFP đã và đang phát triển nhanh chóng, hỗ trợ tới 2,8 tỷ USD cho các hoạt động thương mại trong năm 2010 tại khu vực châu Á. Việt Nam là một trong những thành viên sử dụng vốn lớn nhất của chương trình và chắc chắn sẽ tăng cường việc sử dụng trong năm nay. Với việc tham gia TFP, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.

Khi tham gia chương trình, các ngân hàng phát hành như Habubank sẽ có được những lợi thế như được đảm bảo bởi xếp hạng tín dụng AAA của ADB, thời gian phản hồi nhanh trong vòng 24-48 giờ cùng sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia tài trợ thương mại chuyên nghiệp.

Nhưng có lẽ, sự tích cực trong các hoạt động tài trợ thương mại phải kể đến những ngân hàng ngoại có thế  mạnh về vốn và am hiểu thị trường Việt Nam như: HSBC, Citibank, trong đó, HSBC được xem là ngân hàng dẫn đầu trong phân khúc này.

HSBC đã cùng với các ngân hàng Citibank, DBS ký hợp đồng tài trợ vốn cho Vietnam Airlines mua mới 8 máy bay Airbus A321-231S. Tổng số tiền HSBC làm đầu mối thu xếp cho thương vụ này lên tới 457 triệu USD.

Trước đó, HSBC cũng là ngân hàng đầu mối thu xếp 904 triệu USD theo hình thức "Tín dụng xuất khẩu người mua" (ECA) do các tổ chức tín dụng xuất khẩu Trung Quốc (Sinosure), Đức (Hermes) cấp bảo hiểm tín dụng và vay thương mại cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 của Petro Vietnam.

Còn Citibank Việt Nam cũng vừa hoàn tất vai trò là đầu mối thu xếp hợp đồng tín dụng giá trị 200 triệu USD nhằm tài trợ vốn cho các dự án truyền tải điện của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT).

Những nguồn tài trợ trên đã và đang giúp các doanh nghiệp phần nào giải tỏa được những căng thẳng về vốn cho hoạt động kinh doanh trong năm nay. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, lãi suất đang ở mức cao đã tác động mạnh đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, những đồng vốn trên lại càng trở nên quan trọng.