18:05 15/12/2007

Ngân hàng cán đích… Chỉ thị 03

Minh Đức

Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã đưa dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán về hạn mức 3% tổng dư nợ

Nhiều ngân hàng vẫn còn dư địa để hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Nhiều ngân hàng vẫn còn dư địa để hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã đưa dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán về hạn mức 3% tổng dư nợ.

Song song với nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2007, các ngân hàng thương mại cũng đang gấp rút cán đích Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về hạn chế cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán đúng thời điểm 31/12/2007.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, đến thời điểm này có thể khẳng định hầu hết các ngân hàng đã và có khả năng đưa dư nợ cho vay loại này về đúng hẹn mà Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Kể từ khi Chỉ thị 03 có hiệu lực (tháng 7/2007), nhiều lo ngại tập trung ở khả năng đúng hẹn của một số trường hợp có dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán vượt 40% tổng dư nợ. Đến thời điểm này, lo ngại đó đang được loại trừ.

Trong áp lực của Chỉ thị 03, khối ngân hàng quốc doanh “thảnh thơi” khi đều có dư nợ dưới 3%. Còn lại, nhiều ngân hàng cổ phần thực sự gặp khó khăn, bởi dư nợ đã ở mức cao trước khi Chỉ thị 03 ban hành.

Ngoài tăng cường thúc nợ, chấp nhận cả khả năng có thể bị khách hàng kiện, nhiều ngân hàng buộc phải nâng mẫu số tổng dư nợ lên cao để bao được dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán theo hạn mức.

Ngày 13/12, trong thông tin gửi tới VnEconomy, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cho biết đã chính thức đưa dư nợ nói trên xuống dưới 3%. Tính đến ngày 10/12/2007, tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán tại ngân hàng này đã khống chế ở mức 2,78% trên tổng dư nợ 9.036 tỷ đồng.

Đại diện SeABank cho biết: “Trước thời điểm ngày 1/7/2007, cũng như nhiều ngân hàng khác, vốn cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán của SeABank chiếm tỷ lệ khá nhiều trên tổng dư nợ. Tuy nhiên, từ khi Chỉ thị 03 có hiệu lực, SeABank đã nghiêm túc thực hiện chủ trương trên và cố gắng khống chế cũng như thu hồi các khoản vay để đảm bảo đúng yêu cầu và thời gian quy định”.

“Đặc biệt, với việc dư nợ tín dụng của SeABank liên tục gia tăng đã hỗ trợ rất nhiều cho việc giảm dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán cũng như giảm bớt gánh nặng cho các khách hàng”, đại diện SeABank nói thêm.

Trao đổi với VnEconomy chiều 15/12, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á châu (ACB), cũng cho biết ACB đang phấn đấu để thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 03; nhiều khả năng sẽ đúng hẹn vào ngày 31/12/2007.

“Vì Ngân hàng Nhà nước làm căng như thế, chúng tôi buộc phải thúc khách hàng trả nợ. Trường hợp họ kiện thì mình phải chịu thôi. Ngoài ra, ACB cũng phải nâng tổng dư nợ lên để góp phần đưa dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán về 3%. Tất nhiên mọi sự thay đổi đều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nói chung”, ông Toại cho biết.

ACB cũng là một ngân hàng có hoạt động cho vay nói trên khá mạnh trước thời điểm Chỉ thị 03 ban hành. Theo ông Toại, “may mà” ACB có tổng tài sản có lớn, có khả năng huy động vốn tốt, cộng với nhu cầu tín dụng của thị trường tăng cao vào thời điểm cuối năm, nên có thể cán đích Chỉ thị 03 đúng hẹn.

“Với những trường hợp không có thuận lợi về tài sản có, về khả năng huy động tốt, tôi nghĩ là sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Toại nhận định.

Trước đó, một lãnh đạo của ACB cũng đã đưa ra đề xuất nên khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán theo tổng tài sản có của ngân hàng, thay vì theo tổng dư nợ như hiện nay.

Ngoài SeABank, ACB, hầu hết các ngân hàng cổ phần khác cũng đã nhanh chóng cán đích Chỉ thị 03 trước hạn. Tại Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội, Ngân hàng Kỹ Thương…, dư nợ cho vay loại này hiện chỉ ở khoảng 1,7 – 2% tổng dư nợ. Nhiều ngân hàng cổ phần vẫn còn dư địa để tiếp tục hỗ trợ vốn ngắn hạn cho nhà đầu tư.

Như vậy, đến thời điểm này cũng có thể khẳng định áp lực rút vốn theo Chỉ thị 03 không còn tác động quá mạnh đối với thị trường chứng khoán.