11:27 24/03/2007

“Ngân hàng chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ chứng khoán”

Lan Hương - Quang Phúc thực hiện

Ý kiến của ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank tại Diễn đàn Đầu tư vừa diễn ra tại Hà Nội

"Có thể nói, công ty chứng khóan và công ty quản lý quỹ đầu tư là anh em song hành để làm nên một ngân hàng đầu tư, mà các ngân hàng thương mại bán lẻ khi muốn tham gia hoạt động trên thị trường vốn cần phải thông qua hai anh em này."
"Có thể nói, công ty chứng khóan và công ty quản lý quỹ đầu tư là anh em song hành để làm nên một ngân hàng đầu tư, mà các ngân hàng thương mại bán lẻ khi muốn tham gia hoạt động trên thị trường vốn cần phải thông qua hai anh em này."
Ý kiến của ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank tại Diễn đàn Đầu tư vừa diễn ra tại Hà Nội.

"Sự phát triển sơ khai của thị trường chứng khoán trong thời gian qua đang dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền từ gửi tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán. Ai cũng muốn đầu tư vào chứng khoán, vì hầu hết mọi người tham gia vào sân chơi mới mẻ “cung ít cầu nhiều” này đều có lợi. Điều này đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến kênh huy động vốn đầu vào từ dân cư của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp lâu nay chỉ quen với khái niệm đến ngân hàng để vay vốn hoạt động thì nay có thêm một kênh huy động vốn trung và dài hạn qua thị trường chứng khoán, từ việc huy động vốn trên thị trường OTC hoặc chính thức niêm yết trên sàn giao dịch bằng việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Vì vậy các ngân hàng phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các kênh huy động vốn của thị trường vốn này.

Do đó, trước mắt và lâu dài, sự phát triển của thị trường chứng khoán có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tiền tệ, tức là ảnh hưởng trực tiếp đến ngành ngân hàng. Song song với những thay đổi và cạnh tranh từ thị trường chứng khoán, ngành ngân hàng cũng đang đứng trước áp lực cạnh tranh ngày một lớn từ ngay chính nội tại ngành giai đoạn hậu WTO.

Từ năm 2007 trở đi, Việt Nam sẽ phải bắt đầu thực hiện cam kết WTO về việc mở cửa thị trường tài chính, ngân hàng. Theo đó, các định chế tài chính nước ngoài được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Bản thân các ngân hàng trong nước cũng đang có sự trỗi dậy mãnh liệt trong vài năm gần đây.

Đầu tiên là 4 ngân hàng thương mại quốc doanh được gọi là “Big Four” đang chiếm giữ hơn 50% thị phần. Với những lợi thế về mạng lưới rộng khắp, về quy mô vốn rất lớn, về bề dày hoạt động và lại được Nhà nước bảo hộ, các ngân hàng thương mại nhà nước đã tạo dựng được lòng tin từ đa số người dân. Tuy nhiên các ngân hàng thương mại nhà nước có một điểm yếu là cung cách phục vụ, cơ chế quản lý, còn mang nặng tính quan liêu đang dần được khắc phục. Ngoài ra, họ cũng đang tích cực củng cố, đổi mới, tái cấu trúc để chuẩn bị cho việc cổ phần hóa và hiện đại hóa.

Phần còn lại là 40 ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đã thời kỳ “ngủ đông” và đang phải đồng loạt tạo ra những bước đột phá rất lớn về quy mô vốn, về công nghệ, về hiện đại hóa, về phát triển nguồn nhân lực,... bằng chính nội lực và bằng sự liên kết với các cổ đông chiến lược nước ngoài.

Vấn đề thứ nhất trong hoạch định chiến lược mà các ngân hàng cần phải quan tâm để phù hợp với xu thế mới sau khi hội nhập và trong bối cảnh ra đời và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán là việc chuyên nghiệp hóa các hoạt động ngân hàng. Trước đây, khi thị trường vốn chưa phát triển, tỉ lệ cho vay trên huy động vốn của các ngân hàng là khá cao, do ngân hàng chủ yếu tập trung vào nghiệp vụ cho vay. Nhưng thời gian gần đây, tỉ lệ này có xu hướng giảm còn khoảng 50% đến 60% bởi các ngân hàng đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ tăng trưởng nóng của thời kỳ sơ phát của thị trường vốn để tham gia đầu tư một lượng rất lớn vào thị trường này.

Mặc dù gần đây Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán đã kịp thời có những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này bằng hàng loạt các quy định như hạn chế việc các ngân hàng cho công ty chứng khoán thành viên vay, chấm dứt nghiệp vụ Repo, thắt chặt việc quản lý cho vay thế chấp bằng chứng khoán. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn tìm cách để đầu tư vào thị trường vốn đang được cho là tiếp tục tăng trưởng trên 100% trong năm nay.

Giả sử, có những biến cố xảy ra với thị trường vốn thì ngành ngân hàng sẽ đứng trước rất nhiều rủi ro, lúc này “hiệu ứng Domino” sẽ lập tức phát huy tác dụng, nền kinh tế mới trỗi dậy và vẫn còn rất non trẻ của Việt Nam sẽ khó khăn khi chống chọi với những đợt khủng hoảng kiểu sóng thần như vậy.

Thứ hai, để tạo ra thế hoạt động bền vững, các nhà chiến lược ngân hàng cần phải nhanh chóng hoạch định tái cấu trúc bộ máy theo hướng chuyên nghiệp hóa và chuyên môn hóa sâu. Mỗi ngân hàng thương mại bán lẻ cần tập trung phát triển một cách tách biệt, chuyên sâu các khối kinh doanh mang tính mũi nhọn như: khối ngân quỹ, khối ngân hàng doanh nghiệp, khối ngân cá nhân và cả những khối mang tính hỗ trợ và điều hành, giám sát và quản lý rủi ro khác.

Mặt khác, thị trường vốn là một thị trường còn rất mới, hiện giá trị vốn hóa chiếm khoảng 20% GDP, trong khi tại các nước trong khu vực thông thường phải từ 60% đến 100% GDP. Đây thực sự là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư và đặc biệt là các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang hoạt động trên thị trường tiền tệ ngân hàng. Do đó, các ngân hàng thương mại chắc chắn không thể đứng ngoài cuộc chơi này, mà nên tham gia với chức năng của một ngân hàng đầu tư.

Tuy nhiên, để tránh sao nhãng và thiếu tập trung vào chuyên môn hóa sâu các hoạt động của ngân hàng bán lẻ, tránh những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn như đã đề cập trên, các ngân hàng phải chuyên nghiệp hóa hoạt động đầu tư thông qua việc thành lập công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư. Việc làm này cũng tạo ra tiền đề giúp cho thị trường chứng khoán đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp.

Có thể nói, công ty chứng khóan và công ty quản lý quỹ đầu tư là anh em song hành để làm nên một ngân hàng đầu tư, mà các ngân hàng thương mại bán lẻ khi muốn tham gia hoạt động trên thị trường vốn cần phải thông qua hai anh em này.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần chuyên nghiệp hóa các hoạt động kinh doanh khác như thuê mua tài chính, quản lý nợ, khai thác tài sản, dịch vụ thẻ, kiều hối,... để hỗ trợ cho việc đầu tư mở rộng mạng lưới một cách nhanh chóng nhưng không làm ảnh hưởng đến việc tăng cao tỷ lệ vốn bất khả dụng của ngân hàng. Với định hướng này, mỗi ngân hàng sẽ phát triển và dần tiến đến quy mô hoạt động của một tập đoàn tài chính.

Cuối cùng, việc mở rộng thị phần, làm giãn nở thị trường và chuyên nghiệp hóa trong hoạt động ngân hàng có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của nền kinh tế và cả xã hội. Mỗi khi nền kinh tế chuyển từ nền “kinh tế tiền mặt” sang nền “kinh tế ngân hàng và chuyển khoản”, mỗi khi tất cả các doanh nghiệp đều sử dụng dịch vụ ngân hàng làm phương tiện thanh toán, mỗi khi có trên 80% dân số sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận tiền lương hay mua sắm,... thì nền kinh tế Việt Nam mới có thể gọi là một nền kinh tế công nghiệp hay công nghiệp phát triển.

Cũng chỉ khi đó, Chính phủ mới có thể kiểm soát được nền kinh tế, tránh khỏi những vấn nạn mà hiện nay chúng ta đang đối đầu: hối lộ, rửa tiền, tham nhũng, trốn thuế, ẩn lậu thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân..."