09:35 05/09/2008

Ngân hàng đầu tiên có hệ thống an ninh GPS

Nguyễn Hoài

Tổng giám đốc LienVietBank nói về hệ thống an ninh bằng định vị vệ tinh (GPS) trong hoạt động kinh doanh

Phòng giao dịch của LienViet Bank.
Phòng giao dịch của LienViet Bank.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc LienVietBank nói về hệ thống an ninh bằng định vị vệ tinh (GPS) trong hoạt động kinh doanh.

Thưa ông, trong khi nhiều ngân hàng lớn khác chưa triển khai GPS, phải chăng, vì “sinh sau đẻ muộn” nên LienVietBank muốn đánh bóng thương hiệu?

GPS (Global Positioning System) là hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu, thường gọi tắt là định vị vệ tinh. Hiện việc triển khai GPS trong hoạt động kinh doanh ngân hàng còn rất mới ở Việt Nam. Sở dĩ LienVietBank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng GPS trong quản lý kinh doanh bởi vì chúng tôi đang đi theo tôn chỉ hoạt động đã vạch ra của mình “ngân hàng điện tử - hướng tới khách hàng” và “an toàn trước, hiệu quả sau”.

Đặc điểm kỹ thuật của GPS như thế nào và được triển khai ở những hoạt động cụ thể gì? Khách hàng và ngân hàng được lợi gì khi triển khai dịch vụ này?

GPS sẽ triển khai ở hoạt động an ninh quản lý tài sản của ngân hàng và khách hàng.

Trước hết, toàn bộ xe chuyển tiền của hệ thống LienVietBank trên phạm vi cả nước đều được gắn GPS để bộ phận giám sát tại trung tâm Hội sở chính kiểm tra đến từng giây phút. Máy tính xách tay của cán bộ quản lý LienVietBank cũng theo dõi được toàn bộ hoạt động chuyển tiền trên hệ thống.

Tiếp theo, giai đoạn hai, chúng tôi sẽ sử dụng GPS kết hợp phần mềm CoreBanking xử lý dữ liệu hoạt động kinh doanh và gắn với việc quản lý khai thác các dịch vụ khác.

Hệ thống GPS có nhiều loại khác nhau hay đơn thuần chỉ một loại? Xuất xứ của hệ thống này do nước nào sản xuất, thưa ông?

Hệ thống GPS có nhiều loại khác nhau. Hiện nay khối EU sử dụng GPS thông dụng cho việc định vị toàn cầu điều hành quản lý phương tiện giao thông chung cho tất cả các nước trong khối – theo đó chỉ cần ngồi trên xe có gắn định vị vệ tinh toàn cầu có thể đi đến bất cứ điểm nào của các nước EU do được tự động hướng dẫn điểm đến và bảo vệ an toàn.

Đồng thời, GPS cũng được các công ty bảo vệ an ninh chuyên nghiệp thực hiện dịch vụ quản lý tài sản mà các ngân hàng nước ngoài thường sử dụng định vị vệ tinh qua công ty an ninh chuyên nghiệp. Ở châu Á, Đài Loan và Trung Quốc sử dụng nhiều dịch vụ GPS vào lĩnh vực an ninh và quản lý.

Để triển khai thành công GPS thì phải đáp ứng những điều kiện gì về nhân lực và hạ tầng công nghệ? Giá thành một hệ thống khoảng bao nhiêu?

Để triển khai thành công GPS, trước hết doanh nghiệp phải tự tìm hiểu xem mục đích sử dụng vào nội dung gì. Sau đó mới cần suy nghĩ đến nhân lực, yêu cầu đòi hỏi với nhân lực cũng không quá cao vì đa số là tự động hóa. Công nghệ cũng tùy từng yêu cầu của mỗi doanh nghiệp khai thác đơn thuần hay phức tạp.

Nói chung, GPS sẽ trở thành dịch vụ phổ thông chung, không yêu cầu đòi hỏi hạ tầng lớn. Quan trọng là chúng ta khai thác GPS thế nào. Chi phí cho một hệ thống GPS tùy thuộc vào yêu cầu quản lý, nhưng nói chung không quá khả năng tài chính của bất kỳ ngân hàng nào.

Việc áp dụng GPS có liên quan gì đến quy mô mạng lưới không?

Khi mạng lưới càng nhiều thì càng nên sử dụng GPS vì sự an toàn tài sản của ngân hàng và khách hàng. Hệ thống GPS của LienVietBank được sử dụng trên toàn quốc, nhằm theo dõi tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch của LienVietBank.

Việc triển khai GPS tại những ngân hàng nước ngoài như thế nào? Theo ông, các ngân hàng thương mại Việt Nam có nên triển khai đồng loạt hệ thống này không?

Đối với ngân hàng nước ngoài, họ thường thuê các công ty bảo vệ chuyên nghiệp để thông qua GPS của các công ty này đảm bảo an ninh cho hoạt động an toàn của ngân hàng. Còn việc khai thác các thế mạnh qua GPS về quản lý hoạt động kinh doanh và địa lý thì tùy từng ngân hàng áp dụng.

GPS là bộ óc thông minh, con mắt tinh tường trong hoạt động quản lý và an toàn tài sản. Đó cũng là một yêu cầu thiết thực đối với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.