10:01 13/11/2008

Ngân hàng mở rộng chi nhánh và bài toán chi phí

Thanh Hải

Có ý kiến cho rằng, ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực, đặc biệt áp lực từ chi phí cho các chi nhánh mới mở

Khai trương tại Phòng giao dịch Giảng Võ của LienViet Bank.
Khai trương tại Phòng giao dịch Giảng Võ của LienViet Bank.
Trái với những diễn biến đầu năm, những tháng cuối năm 2008, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động thành lập chi nhánh hay phòng giao dịch mới, nhằm tăng sự hiện diện của mình trên thị trường.

Nhưng một số nhận định cho rằng, ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực, đặc biệt áp lực từ chi phí cho các đơn vị này hoạt động.

“Nở rộ” chi nhánh

Bước vào năm 2008, trong khi nhiều ngân hàng hạn chế việc thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, thì Ngân hàng Á Châu (ACB) nổi lên là một ngân hàng rất tích cực trong việc cho ra mắt các chi nhánh, phòng giao dịch mới. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, theo kế hoạch năm 2008, ACB sẽ đưa vào hoạt động 75 chi nhánh và phòng giao dịch, qua đó nâng tổng số chi nhánh và phòng giao dịch của ACB trong năm 2008 lên 186.

Tính đến đầu tháng 11/2008, sau khi đưa vào hoạt động thêm 3 phòng giao dịch Rạch Giá (Kiên Giang), Long Hoa (Tây Ninh) và Vĩnh Long (Vĩnh Long), ACB đã nâng tổng số chi nhánh và phòng giao dịch của mình lên con số 178.

Không giống như ACB, mặc dù mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 6/2008, Ngân hàng Tiên Phong (TienPhongBank) đã đưa vào hoạt động 2 chi nhánh tại Hà Nội và Tp.HCM. Dự kiến trong tháng 11, TienPhongBank sẽ tiếp tục đưa thêm 4 phòng giao dịch mới tại Hà Nội vào hoạt động, tiếp theo đó là các phòng giao dịch tại Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng.

Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) mới tham gia hệ thống ngân hàng được khoảng 5 tháng, nhưng tính đến đầu tháng 11/2008 mạng lưới giao dịch của LienVietBank đã lên tới con số 12. Theo kế hoạch đến hết năm 2008, mạng lưới giao dịch của LienVietBank sẽ là 17.

Không riêng ACB và các ngân hàng mới được cấp phép hoạt động đang đẩy mạnh thành lập các chi nhánh và phòng giao dịch mới, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác sau một thời gian dài “im hơi, lặng tiếng”, thì nay đang thành lập thêm các chi nhánh và phòng giao dịch mới như: Ngân hàng Đại Á, Ngân hàng Bắc Á, Ngân hàng Sài Gòn, Ngân hàng Phương Nam.

Bài toán chi phí

Theo ông Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc TienPhongBank, việc mở rộng chi nhánh và phòng giao dịch sẽ khiến các ngân hàng phải cạnh tranh nhau không những về lãi suất, phí dịch vụ mà còn về sản phẩm và chất lượng dịch vụ để tồn tại. Nhưng ông Khanh cho rằng, chi nhánh và phòng giao dịch không phải là kênh duy nhất và cũng không phải là kênh hiệu quả nhất để phục vụ khách hàng.

“Cách tốt nhất để phục vụ khách hàng là các ngân hàng nên hướng tới sự cân bằng trong việc phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch thông qua việc phát triển thêm các kênh điện tử khác để tăng cường giao dịch với khách hàng”, ông Khanh nói.

Mặc dù thị trường bất động sản và thị trường nhân lực không còn nóng như cuối năm 2007, nhưng một số ý kiến cho rằng những thách thức chính với việc thành lập chi nhánh hay phòng giao dịch mới của các ngân hàng vẫn là bài toán về nguồn lực và địa điểm phù hợp.

Ngoài ra, một số ngân hàng có nền tảng quản trị và công nghệ không phát triển kịp với việc bùng nổ mạng lưới sẽ phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến chất lượng tín dụng và quản trị tác nghiệp.

“Trong điều kiện thị trường như hiện tại chi phí để vận hành các phòng giao dịch cũng tăng trong khi đó hoạt động kinh doanh khó khăn hơn nên thời gian đạt điểm hoà vốn của phòng giao dịch cũng sẽ lâu hơn”, ông Khanh nói.

Bà Bùi Thị Mai, Tổng giảm đốc Ngân hàng Habubank cho rằng, khi mở rộng mạng lưới các ngân hàng mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng thị phần. Nhưng trong thời điểm hiện nay, mở rộng với phạm vi và quy mô như thế nào thì cũng đều có tác động ít nhiều đến hoạt động của ngân hàng, kể cả khi đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ càng.

“Đối với các ngân hàng nhỏ hay mới thành lập, rủi ro lớn nhất khi mở rộng mạng lưới là năng lực của đội ngũ nhân sự, tiếp theo là khả năng quản lý hệ thống thông qua hệ thống quy trình quy chế”, bà Mai nói.

Đồng tình với những quan điểm trên, nhưng ông Toại cho rằng, những chi nhánh và phòng giao dịch của ACB đều được mở tại các vùng kinh tế trọng điểm nên đã giảm thiểu được những áp lực trên.