Ngân hàng Nhà nước bổ sung giao dịch quyền chọn khi mua bán ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước sẽ giao dịch với các tổ chức tín dụng thông qua 5 hình thức: giao dịch ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn và các loại giao dịch khác do đơn vị này quyết định trong từng thời kỳ...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối thay thế Thông tư số 02/2012/TT-NHNN.
HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ TRONG GIAO DỊCH HỐI ĐOÁI
Theo cơ quan này, Thông tư số 02/2012/TT-NHNN đã được ban hành và triển khai trong 8 năm qua và được sửa đổi bổ sung một số lần. Đến nay, nhiều nội dung tại Thông tư cần được sửa đổi bổ sung để phù hợp với các văn bản liên quan được ban hành hoặc sửa đổi sau khi Thông tư trên có hiệu lực và để phù hợp với sự thay đổi của thị trường.
Ngoài ra, Khoản 3 Điều 18 Thông tư số 02 quy định: “Trong trường hợp thanh toán chậm…, bên thanh toán chậm sẽ chịu mức phạt như sau: a) Nếu bằng ngoại tệ, mức phạt tối đa 150% lãi suất LIBOR 01 tuần của đồng tiền thanh toán tại ngày phát sinh thanh toán chậm tính trên số tiền và số ngày trả chậm”. Tuy nhiên, theo thông báo của Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Anh (FCA), lãi suất LIBOR tham chiếu nói trên chỉ được công bố đến hết năm 2021.
Do đó, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 02 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý hướng dẫn đối với hoạt động giao dịch hối đoái giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Dự thảo Thông tư thay thế bao gồm 5 chương, 22 điều, phạm vi điều chỉnh là giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối có quan hệ giao dịch ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước sẽ giao dịch với các tổ chức tín dụng thông qua 5 hình thức: giao dịch ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn và các loại giao dịch khác do đơn vị này quyết định trong từng thời kỳ.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước giao dịch mua, bán Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ với tổ chức tín dụng được phép có quan hệ giao dịch ngoại tệ. Trường hợp thực hiện giao dịch Đồng Việt Nam và loại ngoại tệ khác, Ngân hàng Nhà nước thông báo cho tổ chức tín dụng được phép có quan hệ giao dịch ngoại tệ. Tỷ giá mua, bán của từng loại hình giao dịch, giá mua quyền chọn mua, bán ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước quyết định và thông báo cho tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước bổ sung thêm hình thức giao dịch quyền chọn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao dịch với các tổ chức tín dụng thông qua 5 hình thức: giao dịch ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn và các loại giao dịch khác do đơn vị này quyết định trong từng thời kỳ. Kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn tối đa là 365 ngày kể từ ngày giao dịch.
Vào ngày 11/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã giảm giá mua ngoại tệ và chuyển từ hình thức mua kỳ hạn thành mua giao ngay. Giới chuyên môn cho rằng, có thể thấy việc Ngân hàng Nhà nước trở lại mua ngoại tệ giao ngay như trên có chủ ý tạo nguồn tiền cung ứng mới và tức thời cho thị trường, thêm điều kiện tạo nguồn vốn dồi dào và bình ổn lãi suất, hoặc tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ được tiếp lãi suất.
Trong khi đó, tiền đề để Ngân hàng Nhà nước thực hiện thay đổi chính sách đến từ việc Mỹ đã chính thức kết luận và khẳng định sẽ không có các biện pháp hạn chế thương mại đối với Việt Nam, liên quan đến quan ngại vấn đề “thao túng tiền tệ” kéo dài hơn hai năm qua
TẠM NGỪNG GIAO DỊCH NGOẠI TỆ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG CHẬM NỘP BÁO CÁO
Cũng theo dự thảo, thời gian giao dịch ngoại tệ dự kiến sẽ theo giờ làm việc chính thức của Ngân hàng Nhà nước vào các ngày làm việc trong tuần. Trường hợp phát sinh giao dịch ngoại tệ ngoài thời gian giao dịch, tổ chức tín dụng phải tổ chức thực hiện các giao dịch thông suốt, an toàn, đảm bảo quản lý rủi ro.
Về thanh toán, thanh toán cho giao dịch ngoại tệ phải được thực hiện theo hướng dẫn thanh toán chuẩn do tổ chức tín dụng đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.
Trường hợp thanh toán chậm so với thỏa thuận, bên thanh toán chậm phải chịu phạt. Nếu bằng đồng ngoại tệ, mức phạt tối đa bằng 150% lãi suất do ngân hàng đại lý thanh toán của bên bị thanh toán chậm áp dụng trên tài khoản thanh toán chuẩn nhận ngoại tệ tại thời điểm phát sinh tính trên số tiền và số ngày chậm trả. Nếu bằng Đồng Việt Nam, mức phạt tối đa bằng 150% lãi suất cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm phát sinh thanh toán chậm tính trên số tiền và số ngày chậm trả.
Ngân hàng Nhà nước tạm ngừng giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng trong 3 tháng nếu tổ chức tín dụng gửi báo cáo không đúng thời hạn hoặc không đúng nội dung; không gửi báo cáo theo quy định từ 3 lần trở lên trong 1 quý.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) tình hình giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng khác theo quy định chế độ báo cáo hiện hành nếu không sử dụng hệ thống giao dịch của Refinitiv.
Nếu sử dụng hệ thống giao dịch của Refinitiv, thực hiện báo cáo theo quy trình hướng dẫn báo cáo giao dịch ngoại tệ qua hệ thống giao dịch của Refinitiv do Ngân hàng Nhà nước ban hành: báo cáo trong vòng 15 phút nếu giao dịch trên hệ thống và báo cáo trong vòng 45 phút nếu giao dịch ngoài hệ thống.
Tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt; bị thu hẹp hoặc đình chỉ hoạt động giao dịch ngoại hối theo kết luận, thông báo của Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) sẽ bị tạm ngừng giao dịch ngoại tệ.
Về điều khoản chuyển tiếp, tổ chức tín dụng đã thiết lập quan hệ giao dịch hối đoái với Ngân hàng Nhà nước trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện giao dịch ngoại bình thường, không phải làm thủ tục đăng ký lại.