Ngân hàng nhà nước bơm trên 48 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong nửa đầu tháng 2
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm hơn 48 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở (OMO) cho hệ thống ngân hàng, thể hiện sự điều phối vốn nhịp nhàng của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ...
Giới phân tích nhận định, quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023.
Trong môi trường không thuận lợi nêu trên, lãi suất còn dư địa tăng, ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.
Hiện tại thì sao? Theo cập nhật từ bản tin của Công ty Chứng khoán MBS, lãi suất huy động ngân hàng có xu hướng hạ nhiệt. Lãi suất liên ngân hàng vay qua đêm cũng sụt giảm mạnh trong khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm hơn 48 nghìn tỷ đồng qua kênh OMO và phát hành 152 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Có vẻ như trong 2 tuần vừa qua, nhà điều hành tập trung bơm/hút ở kênh tín phiếu.
"Nhà điều hành phát hành 152 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7-91 ngày, trong khi đó có 201 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong giai đoạn này, theo đó bơm hơn 48 nghìn tỷ đồng thông qua kênh này, thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày, lãi suất trúng thầu đều ở mức 6%/năm", bản tin của MBS nêu.
Cũng theo trên, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang giao dịch ở mức 3,58%/năm, giảm mạnh từ mức 5,9% của cuối tháng trước. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng ở quanh mức 3,98%-6,0%/năm, giảm hơn 200 điểm so với cuối tháng trước.
Lãi suất huy động của các nhà băng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm, hiện lãi suất huy động đang đồng loạt giảm khá mạnh với mức giảm khoảng 1-2%/năm so với giai đoạn cao điểm. Đáng chú ý, sự thay đổi diễn ra ở cả nhóm ngân hàng quốc doanh. Lãi suất tiết kiệm trực tuyến (online) cho thấy giảm về bằng mức niêm yết tại quầy, thay vì cao hơn như trước đó. Hiện, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại niêm yết cao nhất là khoảng 9,45%/ năm.
Trên thị trường ngoại tệ, đồng USD có xu hướng mạnh lên trên thị trường quốc tế. So với cuối tháng 1, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng 140 đồng/USD và hiện giao dịch ở mức 23.650 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng lần lượt giao dịch ở mức 23.631 đồng/USD, tăng 22 đồng và 23.623 đồng/USD, tăng 140 đồng.
Chỉ số USD Index hiện đang ở mức 103,88. Đồng USD phục hồi từ mức thấp nhất trong khoảng hai tuần so với rổ các loại tiền tệ chính, nhờ dữ liệu CPI tháng 1 tương đối tích cực.
CPI của Mỹ đã tăng 6,4%, mức tăng thấp nhất trong khoảng 1,5 năm và theo sau mức tăng 6,5% trong tháng 12. Tuy nhiên, tỷ lệ CPI hàng năm của tháng 1 cao hơn dự báo của thị trường (6,2%). Các nhà đầu tư cho biết họ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa với 0,25 điểm phần trăm mỗi lần, sau khi dữ liệu trong tuần trước cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng.