13:15 24/06/2022

Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng lượng tiền lớn

Giữa muôn trùng áp lực, Ngân hàng Nhà nước đã phải hút VND về từ nhiều kênh khác nhau. Chỉ sau vỏn vẹn 3 phiên giao dịch, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 50.000 tỷ đồng trên kênh tín phiếu thị trường mở...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đã đưa, trong phiên giao dịch ngày (21/6), Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ mở lại kênh hút tiền trên thị trường mở (OMO) sau đúng 2 năm kênh này “đóng băng”.

Mặc dù phiên giao dịch trên lượng hút về mới chỉ 200 tỷ đồng với lãi suất 0,3%/năm nhưng 2 phiên giao dịch sau đó, nhờ nâng lãi suất trúng thầu lên 0,7%/năm, Ngân hàng Nhà nước đã hút thêm được lượng tiền lớn.

Cụ thể, tại phiên ngày 22/6, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 20.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và đã có 19.400 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 0,7%/năm. Đến phiên ngày 23/6, có thêm 29.999,7 tỷ đồng được nhà điều hành tiền tệ hút về.

Như vậy, chỉ sau vỏn vẹn 3 phiên giao dịch, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 50.000 tỷ đồng trên kênh tín phiếu thị trường mở.

Tại luồng dữ liệu khác, riêng trong ngày 23/6, Ngân hàng Nhà nước còn hút VND về thông qua kênh bán ngoại tệ, quy mô này lên tới 250.000 tỷ đồng. Đây là khoản bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng trước và đến nay chính thức đáo hạn.

Một thống thống kê do Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 7 tỷ USD qua phương thức kỳ hạn 3 tháng không hủy ngang. Tuy nhiên, theo nguồn thông tin của phóng viên, con số này đến nay đã lên tới gần 11 tỷ USD.

Với việc VND trên thị trường bị hút bởi cả kênh tín phiếu và bán ngoại tệ kỳ hạn, lãi suất qua đêm liên ngân hàng bắt đầu có phản ứng. Theo đó, ở kỳ hạn qua đêm, thay vì duy trì ở mặt bằng 0,4%/năm, đến cuối phiên ngày 23/6 lãi suất VND liên ngân hàng đã tăng lên 0,54%/năm.

Mặc dù tăng nhưng mức lãi suất VND vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất USD liên ngân hàng cùng kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất USD liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đang dừng tại mức 1,65%/năm.

Hiện tại, giới phân tích chia làm 2 luồng ý kiến khi đánh giá hành động từ phía nhà điều hành tiền tệ.

Luồng ý kiến đầu tiên cho rằng, mới đây Ngân hàng Nhà nước phát đi thông tin không tăng lãi suất điều hành nhưng việc khởi động lại kênh hút tiền tín phiếu đồng nghĩa đang thăm dò để tăng lãi suất trong tương lai gần.

Tại luồng ý kiến khác, mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá, cùng đó là hút bớt lượng tiền VND trên thị trường về nhưng điểm hoán đổi lãi suất giữa VND và USD trên liên ngân hàng vấn rất âm như đã nói.

Hiểu đơn giản, người cầm VND đang hưởng ít lãi hơn so với người cầm USD. Theo đó, nếu mua USD, người mua sẽ vừa được hưởng chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền, vừa được hưởng lợi từ việc tỷ giá USD/VND đang trong xu hướng tăng giữa bối cảnh FED tăng lãi suất. Vì vậy, nhu cầu mua USD càng tăng cao.

Với diễn biến như vậy, Ngân hàng Nhà nước cùng lúc sẽ chào thầu tín phiếu để hút thêm VND về để lãi suất VND liên ngân hàng tăng. Một khi mức chênh lệch lãi suất âm nhẹ hoặc chuyển sang dương sẽ giảm áp lực rất lớn lên tỷ giá. Trong khi tỷ giá USD/VND cũng là “điểm quy chiếu” cho các áp lực kiểm soát lạm phát, chi phí vay nợ, môi trường đầu tư, và cả vấn đề trong các tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ theo dõi định kỳ…

Tuy nhiên, nhìn chung hai luồng ý kiến vẫn có cùng một nhận định, Ngân hàng Nhà nước đang hành động linh hoạt giữa muôn trùng vây, khi vừa phải bình ổn/thậm chí giảm được lãi suất, vừa phải kiểm soát được lạm phát lại vừa lấp được hố sâu chênh lệch kích thích tỷ giá, và đặc biệt là trong bối cảnh bên ngoài lãi suất các ngân hàng trung ước liên tiếp tăng lên.