17:11 05/07/2023

Ngân hàng Nhà nước mở rộng khách hàng của tổ chức tài chính vi mô

Kỳ Phong

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2018/TT-NHNN về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô…

Ngân hàng Nhà nước đề xuất mở rộng đối tượng khách hàng của tổ chức tài chính vi mô.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất mở rộng đối tượng khách hàng của tổ chức tài chính vi mô.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2018/TT-NHNN về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Cụ thể, Dự thảo bổ sung khái niệm về đối tượng “cá nhân có thu nhập thấp” vào đối tượng là “khách hàng tài chính vi mô” để các tổ chức tài chính vi mô có cơ sở thực hiện và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô hiện nay.

Sửa đổi, bổ sung khái niệm “khách hàng khác” là cá nhân đã từng là khách hàng tài chính vi mô nhằm đảm bảo nguồn vốn hướng tới phân khúc nhóm khách hàng thấp nhất trong nhóm khách hàng “dưới chuẩn” do các tổ chức tài chính vi mô cung cấp.

Theo đó, nhóm khách hàng này sẽ bao gồm: các cá nhân vẫn đang thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, cá nhân đại diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và/hoặc các cá nhân này đã thoát nghèo nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn tài chính vi mô để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày.

Trên thực tế, khách hàng tài chính vi mô của các tổ chức tài chính vi mô thường không có tài sản thể chấp hoặc nếu có thì giá trị rất thấp nên các tổ chức vi mô thường áp dụng tiền gửi tiết kiệm bắt buộc như là một hình thức đảm bảo khoản vay.

Tiết kiệm bắt buộc trong sản phẩm cho vay được dùng để phản ánh khả năng tích luỹ, hình thành tài sản của người đi vay, đồng thời còn đóng vai trò như một cơ chế bảo đảm bổ sung cho việc hoàn trả khoản vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi, bổ sung khái niệm “tiết kiệm bắt buộc” nhằm phù hợp với đặc thù riêng của hoạt động cho vay tài chính vi mô của các tổ chức tài chính vi mô cũng như nhất quán với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, đảm bảo tính thống nhất trong việc triển khai văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, Khoản 8 Điều 3 của Dự thảo quy định: “Tiết kiệm bắt buộc là số tiền mà khách hàng tài chính vi mô phải gửi theo quy định của tổ chức tài chính vi mô và dùng để bảo đảm cho khoản vay của khách hàng (nếu có). Tổ chức tài chính vi mô có trách nhiệm quy định và phải công bố công khai mức tiền gửi tiết kiệm bắt buộc và mức lãi suất tiết kiệm bắt buộc”.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng chi tiết hơn về mức cho vay đối với từng nhóm khách hàng tài chính vi mô nhằm đảm bảo nguồn vốn cho vay sẽ hiệu quả, hữu ích hơn đối với từng nhóm khách hàng “dưới chuẩn” khác nhau, phù hợp với thực tiên hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.

Theo Khoản 5 Điều 32 Dự thảo, tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với mỗi một khách hàng tài chính vi mô quy định tại điểm a và b khoản 6 Điều 3 Thông tư này không được vượt quá 50 triệu đồng.

Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với mỗi một khách hàng tài chính vi mô quy định tại điểm c khoản 6 và khoản 7 Điều 3 Thông tư này không được vượt quá 100 triệu đồng.