14:12 11/07/2007

Ngân hàng nhỏ: Làm gì để tránh sáp nhập và mua lại?

Đến năm 2010, thị trường tài chính Việt Nam sẽ khó tránh khỏi việc sáp nhập và mua lại giữa các ngân hàng lớn và nhỏ

Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để nâng cao năng lực cạnh tranh, các ngân hàng nhỏ sẽ khó tồn tại khi có sự lấn sân ngày càng sâu của ngân hàng ngoại.
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để nâng cao năng lực cạnh tranh, các ngân hàng nhỏ sẽ khó tồn tại khi có sự lấn sân ngày càng sâu của ngân hàng ngoại.
Có thể nói, các ngân hàng cổ phần trong nước đã dự báo được sẽ có một làn sóng sáp nhập và mua lại trong thời gian tới, khi có sự xuất hiện ngày càng nhiều của những nhà băng ngoại.

Theo các chuyên gia ngành tài chính, dự kiến đến năm 2010, trên thị trường tài chính Việt Nam sẽ khó tránh khỏi việc sáp nhập và mua lại giữa các ngân hàng lớn và nhỏ.

Cạnh tranh toàn diện

Với các ngân hàng quy mô vốn nhỏ cần phải làm gì để tránh sự thâu tóm bởi làn sóng trên là câu hỏi đang được nhiều nhà băng quan tâm.

Một chuyên gia ngành tài chính cho rằng, sự cạnh tranh hiện tại của các ngân hàng trong nước là tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực, mạng lưới hoạt động.

Do vậy, nếu ngân hàng nào chưa đủ những yếu tố này thì các ngân hàng trong nước rất khó cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài như: HSBC, Standard Chartered, ANZ... những đơn vị đang tập trung đẩy mạnh dịch vụ tài chính bán lẻ tại thị trường Việt Nam.

Hiện tại, các ngân hàng lớn nước ngoài như: HSBC, Standard Chartered không ngừng tìm kiếm thêm đối tác trong nước để liên kết, đầu tư mua thêm cổ phần của ngân hàng trong nước để thông qua đó đẩy mạnh dịch vụ của mình trên thị trường tài chính nội, cho dù họ đã mua lại cổ phần của một số ngân hàng trước đó.

Cụ thể, mới đây HSBC đã chính thức công bố việc tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần nắm giữ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) từ 10% lên 15% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 20% trong thời gian tới khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Hiện đối với lĩnh vực tài chính, Việt Nam vẫn chưa mở cửa hoàn toàn cho các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa lĩnh vực ngân hàng sẽ mãi giữ được thế độc quyền trong kinh doanh.

Vì theo lộ trình cam kết với WTO, kể từ ngày 1/4, các ngân hàng con 100% vốn ngoại sẽ được phép thành lập và hoạt động tại thị trường tài chính Việt Nam. Và đến năm 2010, các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ được đối xử bình đẳng như các ngân hàng trong nước.

Do vậy, theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để nâng cao năng lực cạnh tranh, các ngân hàng nhỏ sẽ khó tồn tại khi có sự lấn sân ngày càng sâu của ngân hàng ngoại.

"Hàng nội" bắt tay

Theo ông Hoàng Văn Toàn – Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (NamA Bank), để phát triển bền vững trên thị trường tài chính trong thời gian tới thì những đơn vị quy mô nhỏ cần phải liên kết để tạo sức mạnh cho mình.

Chính vì thế, NamA Bank cũng đang trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược để bắt tay hợp tác. Mới đây, NamA Bank đã ký kết bản thoả thuận hợp tác đồng hành với ngân hàng BIDV.

Ông Toàn cho rằng, bên cạnh những hỗ trợ trên mục tiêu của NamA Bank khi hợp tác với BIDV là trao đổi kinh nghiệm, tư vấn cho NamA Bank trong việc xây dựng các sản phẩm huy động vốn, sản phẩm kinh doanh tài trợ thương mại, kinh doanh ngoại tệ, các sản phẩm phái sinh, thanh toán...

"Xu hướng thị trường ngày càng thay đổi nên NamA Bank cũng như bao ngân hàng khác không thể đứng một mình một chợ như trước mà cần phải có sự liên kết hợp tác để tạo sức mạnh cho cả hai bên" - ông Toàn nhấn mạnh.

Ông Lưu Đức Khánh – Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) thừa nhận, nếu chỉ có một mình, khó xây được nền tảng vững chắc. Chính vì thế, ABBank đã và đang từng bước nâng cao năng lực tài chính, hợp tác với nhiều đối tác chiến lược.

Hiện ngoài cổ đông chính là Tập đoàn EViệt Nam, ABBank còn hợp tác với Cty cổ phần Bách Việt và đang trong quá trình tìm kiếm thêm cổ đông chiến lược khác.

Theo ông Khánh, ở các nước trên thế giới, một khi thị trường tài chính phát triển thì việc sáp nhập và mua lại là một hiện tượng bình thường.

Thế nhưng do ở Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ nên có thể các ngân hàng chưa quen với hiện tượng này. Ngoài việc liên kết để hỗ trợ lẫn nhau để tránh sự thâu tóm các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính bằng việc điều chỉnh vốn điều lệ - ông Khánh khẳng định.