10:47 03/11/2008

Ngân hàng nhỏ: Tăng vốn điều lệ hay sáp nhập?

Ngô Minh

Chỉ còn hai tháng nữa sẽ hết thời hạn buộc các ngân hàng thương mại cổ phần phải thực hiện tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng

Những ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ chưa đạt mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng theo quy định đang gấp rút hoàn thành việc tăng vốn này -Ảnh minh họa.
Những ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ chưa đạt mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng theo quy định đang gấp rút hoàn thành việc tăng vốn này -Ảnh minh họa.
Chỉ còn hai tháng nữa sẽ hết thời hạn buộc các ngân hàng thương mại cổ phần phải thực hiện tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2008.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 10/2008, đang có 9 ngân hàng thương mại cổ phần thuộc diện "đèn đỏ" cần phải thực hiện tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2008 như: Đệ Nhất (FCB) là 609 tỷ đồng, Gia Định (GiaDinhBank) 500 tỷ đồng, Thái Bình Dương (Pacific Bank) 566 tỷ đồng, Mỹ Xuyên (MXBank) 500 tỷ đồng, Xăng dầu Petrolimex (PGBank) 500 tỷ đồng, Kiên Long là 580 tỷ đồng, Việt Nam Thương Tín là 500 tỷ đồng, Đại Tín là 504 tỷ đồng, Đại Á là 500 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tăng vốn của các ngân hàng vẫn diễn ra theo đúng lộ trình. Hiện nay, các ngân hàng này đang rất khẩn trương hoàn thành các thủ tục.

"Một số ngân hàng thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng đang phải chờ Ủy ban Chứng khoán phê duyệt  kế hoạch tăng vốn", ông Giàu nói.

Gặp khó khi tăng vốn

Trong khi các "ông lớn" ung dung do đã hoàn thành mức vốn điều lệ theo quy định, thì những ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ chưa đạt mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng theo quy định đang gấp rút hoàn thành việc tăng vốn này. Nhưng với tình hình thị trường chứng khoán đang biến động theo chiều hướng giảm như hiện nay, một số ý kiến cho rằng các ngân hàng này sẽ thực sự gặp khó khi lựa chọn thị trường chứng khoán làm kênh tăng vốn chính thức.

Theo ông Vũ Đức Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Biển Việt, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng trong thời điểm này sẽ là bài toán khó.

"Cổ phiếu của nhiều ngân hàng trên thị trường OTC đang xuống thấp hơn mệnh giá, nhưng lượng giao dịch của các cổ phiếu này cũng không cao", ông Nghĩa nói.

Đồng quan điểm trên, nhóm phân tích thuộc Phòng phân tích Công ty chứng khoán Euro Capital cho rằng, hiện nay không phải là thời điểm thuận lợi để các ngân hàng thực hiện tăng vốn bằng phương thức phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh và đứng trước thách thức lớn từ chênh lệch cung cầu. Một số doanh nghiệp lớn đang chuẩn bị lên sàn như: PVFC, HAGL, SHB... và rất nhiều cổ phiếu chuẩn bị niêm yết bổ sung và các đợt IPO vẫn đang được tiến hành.

Hiện tại, cổ phiếu của ngành ngân hàng trên thị trường OTC đang giao dịch ở mức thấp, ngoại trừ một vài cổ phiếu có thanh khoản tốt còn lại đa số giao dịch khá trầm lắng. Nhiều cổ phiếu giao dịch gần với mệnh giá, trong khi đó nhà đầu tư hiện tại đang bị hạn chế về vốn. Một lượng tiền đầu tư chứng khoán không nhỏ bị đọng tại thị trường OTC hoặc bị các doanh nghiệp đã đầu tư dàn trải thời gian qua rút về nhằm bổ sung vốn kinh doanh.

Không những vậy, nhóm phân tích của Euro Capital còn cho rằng, tăng vốn vào thời điểm này chưa thực sự đảm bảo ngân hàng nhỏ sẽ cạnh tranh và phát triển tốt hơn so với các ngân hàng lớn khác hay các ngân hàng nước ngoài.

Theo nhóm phân tích này, hiện nay quy mô vốn không phải là yếu tố then chốt cho tính cạnh tranh của ngân hàng mà yếu tố được quan tâm hơn là chất lượng quản trị và chiến lược. Vì vậy, dù ngân hàng phát hành thêm vốn bằng mệnh giá, khả năng hấp dẫn nhà đầu tư cũng không cao và nhà đầu tư cũng ngờ vực hiệu quả của việc tăng vốn.

Gần đây, một số ngân hàng như ACB, Bắc Á, Eximbank đều sử dụng nguồn vốn thặng dư và lợi nhuận để lại để tăng vốn. Về bản chất sẽ không làm thay đổi quy mô nguồn vốn chủ sở hữu nhưng làm tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành và pha loãng chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS).

"Thị trường hiện nay khá nhạy cảm với những thông tin làm tăng cung như vậy. Do đó thời điểm này là không thích hợp", ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và đầu tư của Euro Capital nói.

Giảm rủi ro bằng cách nào?

Để tránh rủi ro trong đợt tăng vốn này, nhóm phân tích của Euro Capital cho rằng các ngân hàng nên đa dạng hóa phương thức chào bán như: tìm kiếm đối tác chiến lược trong nước, đối tác nước ngoài, chào bán riêng lẻ cho các tổ chức...

Mặc dù thị trường tài chính thế giới đang biến động mạnh nhưng tiềm năng phát triển dịch vụ ngân hàng của Việt Nam vẫn có sức hút với các ngân hàng ngoại. Các ngân hàng ở châu Á như Nhật, Trung Quốc, Singapore... ít chịu tác động từ khủng hoảng tín dụng Mỹ có thể thâm nhập sang các quốc gia khác thông qua cách thức đầu tư chiến lược với mức giá ưu đãi so với thời kỳ kinh tế tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có thể phát hành trái phiếu chuyển đổi đi cùng với quyền chọn. Như vậy sẽ đảm bảo cho nhà đầu tư khoản thu nhập tương đối ổn định trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới còn nhiều biến động. Hay chuẩn bị tốt hơn về tính hấp dẫn của đợt tăng vốn bằng kế hoạch sử dụng vốn thiết thực hiệu quả, quan hệ cổ đông minh bạch, đầy đủ, có thể gắn với lộ trình niêm yết cụ thể để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu phát hành thêm.

Còn ông Nguyễn Trí Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Gia Phát cho rằng, yêu cầu tăng vốn là bắt buộc để tăng quy mô và khả năng cạnh tranh cho các ngân hàng.

Vậy, tại sao các ngân hàng không nghĩ đến việc chủ động sáp nhập lại với nhau (?!).

Nếu hợp lại để tăng sức mạnh thì cũng đạt được mục tiêu mà không gây áp lực vốn cho cổ đông hiện hữu hoặc bị đối tác ngoại "ép giá" trong lúc thị trường tài chính không tốt. "Sáp nhập các ngân hàng nhỏ là bài học khá thành công ở một số quốc gia xung quanh Việt Nam như: Malaysia, Thái Lan, Philippines...", ông Thanh nói.

Còn ông Nghĩa cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét tới phương án giãn tiến độ tăng vốn để giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Pacific Bank thừa nhận, tăng vốn điều lệ qua thị trường chứng khoán thành công hay không sẽ tùy thuộc nhiều vào nhà đầu  tư. Mỗi ngân hàng sẽ có các hình thức tăng vốn khác nhau sao cho có lợi nhất.

"Sẽ có ngân hàng thành công, nhưng cũng có những ngân hàng sẽ không thành công trong đợt tăng vốn này", ông Minh nhận định.