15:09 01/08/2013

Ngân hàng nhỏ vì sao lỗ?

Nguyên Hồng

Thị trường bắt đầu đón thông tin ngân hàng kinh doanh thua lỗ trong 6 tháng đầu năm

Dự kiến cuối tuần này và đầu tuần tới, thị trường sẽ đón thêm 
thông tin kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại, tập trung khối niêm yết.
Dự kiến cuối tuần này và đầu tuần tới, thị trường sẽ đón thêm thông tin kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại, tập trung khối niêm yết.
Sau một số ngân hàng lớn với kết quả khả quan, tuần này một số ngân hàng thương mại nhỏ công bố thông tin về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) vừa có thông tin giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), do lợi nhuận trước thuế phát sinh trong quý 2/2013 giảm hơn 10% so với quý 2/2012.

Về sự sụt giảm trên, Navibank giải thích: “Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước đã gặp nhiều khó khăn về thanh toán các khoản nợ khi đến hạn. Thấu hiểu điều đó, và mong muốn chia sẻ một phần gánh nặng đối với khách hàng có quan hệ lâu dài và uy tín của Navibank, Navibank đã có nhiều chính sách giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho các đối tượng khách hàng này.

Xuất phát từ chủ trương này, thu nhập từ lãi của Navibank trong quý 2/2013 đã giảm hơn 24% so với cùng kỳ. Điều đó dẫn tới lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã giảm so với cùng kỳ năm trước”.

Cụ thể, quý 2/2013, Navibank lỗ 11,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2012 đạt 58,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2013 ngân hàng này vẫn có lãi 10,5 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm 2012 đạt được gần 122 tỷ đồng.

Bên cạnh nguyên nhân dẫn ra trong thông tin giải trình trên, báo cáo tài chính ghi nhận ngân hàng này phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 2/2013 là 25,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 10,6 tỷ đồng. Đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu tăng lên 6,11%, tăng 0,47% so với đầu kỳ.

Đến thời điểm này, Navibank là ngân hàng thương mại duy nhất công bố lỗ riêng trong quý 2/2013 một cách chính thức. Đây là thành viên niêm yết nên yêu cầu minh bạch và cập nhật thông tin chặt chẽ hơn. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng khác hiện vẫn chưa công bố cụ thể để định hình mức độ khó khăn trong hệ thống.

Ngược lại, sau một số thành viên lớn có thông tin lạc quan bước đầu, một số ngân hàng thương mại tuần này cũng đã chính thức đưa ra kết quả cơ bản trong 6 tháng đầu năm.

Trong thông cáo phát đi ngày 29/7, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) cho biết đã đạt 214,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm nay; tổng tài sản đã vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu kinh doanh chính đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của ABBank đều tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra; trong đó dư nợ đạt 106% và huy động đạt 110% kế hoạch nửa năm.
 
Định hướng 6 tháng cuối năm 2013, về hoạt động tín dụng, ABBank cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên đối tượng khách hàng SME, khách hàng đăng ký dịch vụ đi kèm tín dụng (thanh toán, bảo lãnh, thanh toán quốc tế…) và các khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, ABBank tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro trên các mặt hoạt động nhằm củng cố và đảm bảo chất lượng tài sản.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long (Kienlong Bank) cũng cho biết, tính đến ngày 30/6/2013, tổng huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đã đạt 15.707 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước; dư nợ cho vay đạt gần 10.500 tỷ đồng, tăng trên 8% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế của Kienlong Bank 6 tháng đầu năm là 212 tỷ đồng, đạt 43% so với kế hoạch.

Ngoài những thành viên trên, dự kiến cuối tuần này và đầu tuần tới, thị trường sẽ đón thêm thông tin kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại, tập trung ở các thành viên đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.