15:48 11/06/2015

Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

An Huy

Giá dầu thô và các hàng hóa cơ bản khác giảm xuống đã đẩy nhanh quá trình giảm tốc

WB giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 và 2017 ở các mức tương ứng lần lượt là 3,3% và 3,2% - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
WB giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 và 2017 ở các mức tương ứng lần lượt là 3,3% và 3,2% - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 10/6 đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015, cảnh báo các thị trường mới nổi đang phải đối mặt với một loạt trở ngại từ giá hàng hóa cơ bản đi xuống cho tới khả năng lãi suất vay vốn gia tăng.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (Global Economic Prospects) ra 6 tháng 1 lần, định chế có trụ sở ở Washington, Mỹ nhận định nền kinh tế toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng 2,8%, giảm từ mức dự báo tăng 3% đưa ra hồi tháng 1 - hãng tin CNBC cho biết.

WB giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 và 2017 ở các mức tương ứng lần lượt là 3,3% và 3,2%.

“Các nước đang phát triển là động lực tăng trưởng toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng giờ đây các nước này đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế khó khăn hơn”, Chủ tịch WB Jim Yong Kim nói trong một tuyên bố.

Mức dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển nói chung trong năm 2015 và 2016 được WB hạ xuống mức tương ứng lần lượt là 4,4% và 5,2%, từ mức 4,8% và 5,3% đưa ra trong lần dự báo hồi đầu năm.

Theo định chế này, giá dầu thô và các hàng hóa cơ bản khác giảm xuống đã đẩy nhanh quá trình giảm tốc tăng trưởng ở một số nước đang phát triển có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu tài nguyên.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế mới nổi cũng trầy trật đối phó với sự giảm giá của đồng nội tệ so với đồng USD. Đồng bạc xanh đã tăng giá mạnh trong năm nay do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tăng lãi suất.

Đồng nội tệ mất giá mạnh nhất ở các nước đang phát triển có triển vọng tăng trưởng xấu đi, đặc biệt là các nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản, từ đó làm gia tăng những rủi ro trong cán cân thanh toán của các nước này - báo cáo của WB cho biết. Chẳng hạn, đồng Real của Brazil và đồng Ringgit của Malaysia đã mất giá tương ứng 17% và 7% so với đồng USD từ đầu năm tới nay.

WB nhấn mạnh, khi FED bắt đầu tăng lãi suất, thì các thách thức có thể sẽ tăng lên, thể hiện qua lãi suất vay vốn gia tăng ở các thị trường mới nổi cũng như biến động thị trường tài chính. Trong trường hợp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn tăng 1 điểm phần trăm, thì dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi có thể giảm 18-40%, WB ước tính.

Báo cáo của WB nhận định các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay, 2,4% trong năm 2016 và 2,2% trong năm 2017, từ mức tăng 1,8% đạt được trong năm 2014.

“Sự tăng tốc này phản ánh phục hồi tăng trưởng ở khu vực sử dụng đồng Euro, hoạt động kinh tế tiếp tục mạnh mẽ ở Mỹ, và tác dụng ngày càng lớn từ các chính sách tiền tệ, tài khóa và cải cách cơ cấu của Nhật Bản”,WB nhận định.

Tuy vậy, định chế này cũng cảnh báo những rủi ro đối với tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi xuất phát từ việc FED nâng lãi suất, bao gồm biến động thị trường tài chính, các dòng vốn suy giảm và đồng USD tăng giá quá mạnh.