Ngân hàng và chuyện bảo vệ quyền lợi khách gửi tiền
Có 2 vấn đề được đặt ra sau vụ án Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt 433 tỷ đồng là việc nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ của cán bộ ngân hàng và vấn đề bảo vệ quyền lợi của khách gửi tiền...
Vụ án Nguyễn Thị Hà Thành đang được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử với các quan điểm trái chiều về việc giữ/trả sổ tiết kiệm của các đồng sở hữu.
Hồ sơ vụ án thể hiện, do cần tiền, Thành đã nghĩ ra cách vay tiền của người khác dưới hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu. Sau đó, Thành và các đồng phạm cầm cố các sổ tiết kiệm này để vay tiền và chiếm đoạt của Ngân hàng Quốc dân - NCB 47,5 tỷ đồng, Ngân hàng Đại chúng Việt Nam - PVComBank 49,4 tỷ đồng, Ngân hàng Việt Á - VAB 273,9 tỷ đồng và 63 tỷ đồng của một số cá nhân. Các đối tượng đã dùng các thủ đoạn gian dối như cấu kết với cán bộ ngân hàng, giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu…
Ở đây cần tách bạch có 2 dòng tiền là tiền Thành chiếm đoạt của các ngân hàng và nguồn tiền của các đồng sở hữu. Đồng nghĩa với việc cần giải quyết các quan hệ phát sinh là quan hệ giữa đối tượng lừa đảo – bị hại và ngân hàng – khách gửi tiền.
Vụ án này diễn ra từ năm 2018, nhiều lần phải trả hồ sơ để làm rõ việc ông Đặng Nghĩa Toàn có đồng phạm lừa đảo với Thành không? Nhưng quá trình điều tra thể hiện, ông Toàn không có dấu hiệu phạm tội.
Một số đồng sở hữu sổ tiết kiệm với Thành đang bị các ngân hàng phong tỏa không thể lấy tiền về hoặc đã bị ngân hàng tất toán để thu hồi nợ. Trong đó, nổi bật nhất là trường hợp vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn với số tiền gửi tiết kiệm là 122 tỷ đồng.
Quá trình tố tụng, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Thành phải trả tiền cho các ngân hàng. Ngân hàng phải trả lại sổ tiết kiệm cho các đồng sở hữu. Tuy nhiên, các ngân hàng giữ lại sổ tiết kiệm để giải quyết dân sự giữa các bên.
Trong vụ án này, các ngân hàng gồm VAB, NCB và PVCombank được xác định là nguyên đơn dân sự - tức bên bị thiệt hại. Đồng loạt các ngân hàng đề nghị chuyển tư cách tố tụng từ bị hại sang người liên quan.
NCB cho rằng việc không trả sổ tiết kiệm cho vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn là để tất toán các khoản vay được bảo đảm bằng sổ tiết kiệm. PVCombank thì cho rằng sổ tiết kiệm là phương tiện phạm tội, Thành phải trả tiền cho ông Toàn. VAB cũng có ý kiến tương tự.
NHÂN VIÊN CÓ LỖI, NGÂN HÀNG PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM
Quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, cơ quan điều tra đã xác định rõ tư cách tố tụng của các ngân hàng là bị hại, chủ các sổ tiết kiệm là bên liên quan. Bị cáo Thành phải trả lại tiền cho ngân hàng. Các ngân hàng phải trả lại tiền trong sổ tiết kiệm cho các đồng sở hữu.
Mặc dù các ngân hàng khẳng định các khoản vay có tài sản bảo đảm nhưng Viện kiểm sát cho rằng bản chất các chủ sở hữu cùng gửi tiết kiệm không đồng ý cam kết cầm cố sổ tiết kiệm, điều này thể hiện rõ qua lời khai các bị cáo.
"Ví dụ trường hợp vợ chồng ông Toàn đến ngân hàng ký trước mặt nhân viên thì ngân hàng không có lỗi. Đằng này ông Toàn không hề biết, nhân viên ngân hàng đã tạo điều kiện cho Thành ký giả chữ ký của chủ sổ'', đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.
Theo Viện kiểm sát, việc VAB tự ý tất toán sổ tiết kiệm là không có căn cứ vì từ năm 2018, vụ án đã được khởi tố. Cơ quan điều tra đã yêu cầu ngân hàng không được tự ý tất toán bởi vụ án đang được điều tra nhưng VAB không tuân thủ quyết định này.
Gửi tiết kiệm đồng sở hữu lâu nay được cho là an toàn, người dân tin tưởng gửi tiền vào ngân hàng là được bảo đảm. Nếu không rút tiền, không cầm cố mà một ngày đẹp trời bị mất tiền thì ai dám gửi tiền? Số tiền thiệt hại tuy lớn nhưng rất nhỏ nếu so với lợi ích kinh doanh, thương hiệu của ngân hàng.
''Nhân viên có lỗi thì ngân hàng với tư cách pháp nhân phải chịu trách nhiệm, phải nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên tránh mất tiền, tránh cả tình trạng có nhân viên thử việc rất ngắn cũng sai phạm bị truy tố'' - đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.
CHỈ BẢO VỆ KHÁCH GỬI TIỀN CHÂN CHÍNH
Tranh luận với Viện kiểm sát, luật sư bảo vệ quyền lợi của VAB khẳng định, Thành không lừa đảo được ngân hàng. Hàng triệu khách hàng đang gửi tiền vẫn được an toàn. Các đồng sở hữu ham lãi suất cao, không kiểm soát được đồng tiền của mình, yên tâm vào hợp đồng tiền gửi trong khi đây là “sản phẩm” do các bị cáo là cán bộ ngân hàng tự ý lập ra. Như vậy, các đồng sở hữu là bị hại trong vụ án này.
Luật sư cũng cho rằng, không thể quy kết các cá nhân làm sai thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm. Điều này chỉ đúng khi họ làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Trái lại, nếu cán bộ cố ý cấu kết với đối tượng bên ngoài để lừa đảo thì không thể bắt pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Đồng quan điểm trên, luật sư bảo vệ quyền lợi của PVCombank cho rằng, sai phạm của các cá nhân đang bị “đánh đồng” để xác định hậu quả của pháp nhân.
Còn luật sư bảo vệ quyền lợi của NCB khẳn định, ngân hàng chỉ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền chân chính, trái lại ngân hàng vẫn yêu cầu phải làm rõ quan hệ giữa Thành và các đồng sở hữu.
Trong quá trình tố tụng, bị cáo Nguyễn Hà Thành có trình bày là sẽ trả tiền cho các đồng sở hữu. Viện kiểm sát cho rằng, đây là ý kiến cá nhân của Thành vì Thành không chiếm đoạt tiền của các đồng sở hữu.
SỰ ĐÁNH ĐỔI QUÁ LỚN
Có 17 cán bộ ngân hàng vướng vòng lao lý, trong đó có một số bị cáo bị quy tội đồng phạm lừa đảo với Thành, có bị cáo hầu tòa do vi phạm quy định hoạt động của ngân hàng.
Bị cáo Lê Thị Hiên, cựu nhân viên VAB nói chỉ thử việc ở nhà băng này 5 tháng nhưng hiện phải “đánh đổi bằng 5 năm” (mức án bị đề nghị- PV) và “nhiều lúc bị cáo chỉ muốn chết đi cho bố mẹ đỡ khổ”.
Còn bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Hương, cựu nhân viên VAB (bị đề nghị án từ 14 – 16 năm tù cho các hành vi đồng phạm lừa đảo với Thành và vi phạm quy định hoạt động của ngân hàng) bật khóc.
Theo bị cáo, có nhiều vấn đề trong việc buộc tội bị cáo, đầu tiên là tội lừa đảo, tại tòa Hà Thành nói bị cáo không tham gia, bàn bạc nhưng viện kiểm sát dùng lời khai của những người có quyền lợi đối lập bị cáo để buộc tội, không giám định camera, không làm rõ việc tại sao có chữ ký giả. Nếu không có chữ ký giả, việc phong tỏa tài khoản có xảy ra không?
Bị cáo cũng cho rằng, Viện kiểm sát dùng những công văn, văn bản mâu thuẫn nhau trong ngân hàng buộc tội bị cáo. Các bị cáo khác cùng ký tờ trình nhưng không bị truy tố tội vì không tham gia quá trình giải ngân.
Một số bị cáo khác cho hay vì tin tưởng Nguyễn Thị Hà Thành hoặc thiếu hiểu biết pháp luật nên dẫn tới hành vi phạm tội.