06:00 31/03/2023

Ngăn hành khách quay lưng, Hà Nội lo cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt dựa trên kết quả xếp hạng

Anh Tú

Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022. Từ đó, nhằm khắc phục các tồn tại trong quản lý chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; đồng thời, có căn cứu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân...

Hiện có 104 tuyến và nhánh tuyến đạt 4 sao, chiếm tỷ lệ lớn nhất 67,3%.
Hiện có 104 tuyến và nhánh tuyến đạt 4 sao, chiếm tỷ lệ lớn nhất 67,3%.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022.

DOANH NGHIỆP XE BUÝT NÀO ĐẠT 5 SAO?

Việc đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được dựa trên nhiều yếu tố. 

Theo đó, qua đánh giá chất lượng dịch vụ của gần 6 triệu lượt xe, có tới 99,91% đạt chất lượng 5 sao. Còn lại 0,1% lượt xe đạt 4 sao; 0,002% đạt 3 sao, chỉ có 2 lượt xe đạt 2 sao (chiếm tỷ lệ vỏn vẹn 0,00003%) và 300 lượt xe chỉ đạt 1 sao (chiếm 0,005%).

Về chất lượng tuyến buýt, qua đánh giá 153 tuyến và nhánh tuyến, có 38 tuyến và nhánh tuyến đạt 5 sao, chiếm 24,48%; có 104 tuyến và nhánh tuyến đạt 4 sao, chiếm tỷ lệ lớn nhất 67,3%; có 11 tuyến và nhánh tuyến đạt 3 sao, chiếm 7,84%. Cũng trong bản đánh giá này, không có tuyến nào bị đánh giá giá 1 sao và 2 sao.

Cũng tại bản đánh giá này, trong hạng mục xếp hạng tiêu chí doanh nghiệp, trong tổng số 11 đơn vị vận hành buýt của Thủ đô, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đứng đầu và cũng là đơn vị duy nhất đạt tiêu chí 5 sao với điểm đánh giá đạt 85 điểm; tiếp đến là Tổng công ty Vận tải Hà Nội được đánh giá 80 điểm… Các đơn vị khác đạt tiêu chí 4 sao với điểm đánh giá đạt từ 65 - 75 điểm và không có doanh nghiệp xếp hạng 3 sao, 2 sao và 1 sao.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác của dịch vụ vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP. Hà Nội yêu cầu, các doanh nghiệp xe buýt rà soát, nghiên cứu phương án điều chỉnh luồng tuyến, dịch vụ một số tuyến xe buýt.

Đối với phương tiện của các tuyến buýt có niên hạn sử dụng từ 9-10 năm, đề nghị tăng cường bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện để đảm bảo phương tiện hoạt động tốt, đồng thời có kế hoạch đầu tư, đổi mới phương tiện.

Các đơn vị cũng cần tập trung đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, nhân viên phục vụ bài bản về thái độ và quy trình tác nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ trên xe buýt; tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ trên tuyến…

ĐÁP ỨNG NHU CẦU ĐI LẠI VÀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ LÀ HAI TIÊU CHÍ QUAN TRỌNG NHẤT

Trước đó, theo yêu cầu của TP. Hà Nội, từ ngày 1/1/2022, toàn bộ xe buýt hoạt động trên địa bàn Thủ đô sẽ phải tuân theo một khuôn khổ mới tại bộ tiêu chí quản lý chất lượng xe buýt hết sức cụ thể, chi tiết.

Mạng lưới tuyến, tuyến buýt, lượt xe buýt doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ được đánh giá theo 5 mức độ, từ 1 - 5 sao tùy theo số điểm đạt được theo thang điểm 100.

Mạng lưới tuyến buýt sẽ được đánh giá dựa trên 10 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như: mức độ tiếp cận dịch vụ xe buýt, khoảng cách bình quân giữa các điểm dừng đỗ ở ngoại thành, chất lượng điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu cuối, khả năng tiếp cận của người khuyết tật, tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng…

Trong số này, hai chỉ tiêu quan trọng nhất gồm: tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại và chất lượng dịch vụ tuyến.

Với từng tuyến buýt, bộ tiêu chí cũng đưa ra những chỉ tiêu hết sức cụ thể để đánh giá gồm: chất lượng phương tiện vận hành, chất lượng lao động vận hành, hiệu quả khai thác tuyến và chất lượng dịch vụ lượt vận chuyển.

Từng lượt vận chuyển cũng được đánh giá, xếp sao, tùy thuộc số điểm đạt được căn cứ theo chất lượng phương tiện vận hành của lượt xe, chất lượng lao động vận hành của lượt xe, chất lượng vận hành theo lộ trình và điểm dừng đỗ và chất lượng vận hành theo thời gian biểu chạy xe.

Cuối cùng, doanh nghiệp cũng sẽ được xếp sao căn cứ và chất lượng tuyến và số lượng tuyến vận hành.

Mục đích ban hành bộ tiêu chí nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay trong quản lý chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Đồng thời, làm cơ sở để tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, làm cơ sở để doanh nghiệp và Nhà nước quản lý, duy trì chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhiều lần nhắc tới nhiệm vụ xây dựng về bộ tiêu chí hiệu quả tuyến buýt dựa trên sản lượng, doanh thu, trợ giá. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ xem xét dừng hoạt động các tuyến buýt không hiệu quả, không thể để tình trạng có tuyến trợ giá 95-96% bởi đây là lãng phí, sử dụng không hiệu quả ngân sách.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng ứng dụng xe buýt dùng chung với đầy đủ dữ liệu của toàn bộ mạng lưới buýt. Thông qua ứng dụng, người dân có thể đánh giá chất lượng từng phương tiện, chuyến đi để phân loại, cải thiện chất lượng dịch vụ.

 

Tính đến hết năm 2022, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến. Trong đó, có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến city tour.

Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 bước đầu có dấu hiệu phục hồi sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Theo đó, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, tăng 67,7% so với con số thực hiện năm 2021. Trong đó, buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách, tăng 72% so với thực hiện cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2022 chỉ đạt 18,5%, không đạt so với kế hoạch đề ra là từ 21,5 - 23%.