Ngân sách nhà nước thặng dư gần 101,5 nghìn tỷ đồng
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 7 tháng đầu năm, dù đại dịch Covid - 19 bùng phát và tác động tiêu cực đến các trung tâm kinh tế nhưng cân đối ngân sách vẫn thặng dư trên 101,5 nghìn tỷ đồng...
Chiều 9/8, Bộ Tài chính thông tin về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 7/2021 và triển khai Chương trình công tác tháng 8/2021. Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 7 ước đạt 126,7 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 7 tháng đạt 912,1 nghìn tỷ đồng, bằng 67,9% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngân sách trung ương ước đạt 64,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 72,2% dự toán.
DÙ DỊCH BỆNH NHƯNG THU NGÂN SÁCH VẪN TĂNG
Cụ thể, thu nội địa tháng 7 ước đạt 101,3 nghìn tỷ đồng, đưa lũy kế thu 7 tháng đạt 744 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6% dự toán, tăng 12,9% so cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, thu từ dầu thô thực hiện tháng 7 ước đạt 3,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 7 tháng đạt 22 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán, nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện thu tháng 7 ước đạt 22,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 7 tháng đạt 145,4 nghìn tỷ đồng, bằng 81,5% dự toán, tăng 37,5% so cùng kỳ năm 2020, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 229,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,8% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 84 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán.
Trước đó, Tổng cục Thuế cho biết lũy kế 7 tháng năm 2021, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Số tiền thu thuế tăng được là nhờ khoản thu đến từ các doanh nghiệp nằm trong llĩnh vực tăng trưởng “nóng” thời gian qua, như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất và lắp ráp ô tô... Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố gia hạn thuế và những khoản tăng thu đột biến, tổng thu chỉ tăng 1,3%. Bởi vậy, qua trao đổi với phóng viên, đại diện ngành thuế đang lo hụt thu ngân sách nội địa.
Ở chiều ngược lại, tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 111,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 7 tháng ước đạt 810,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 169,3 nghìn tỷ đồng, bằng 35,5% dự toán Quốc hội quyết định. Chi trả nợ lãi đạt 65,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59,2% dự toán. Chi thường xuyên đạt 572,2 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách 7 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trung ương đã chi 4,2 nghìn tỷ đồng từ dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua vaccine, các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 khoảng 1.799 tỷ đồng; kinh phí phòng chống dịch cho Bộ công an 389 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng 1.553 tỷ đồng và hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa phương 471 tỷ đồng. Các địa phương đã chi gần 2,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.
CHÍNH SÁCH THUẾ PHẢI TIẾP SỨC CHO DOANH NGHIỆP
Theo các chuyên gia kinh tế, dù cú sốc từ làn sóng đại dịch lần thứ 4 đã tấn công vào những vùng trọng điểm kinh tế như Hà Nội, TP. HCM, hay những khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, các tỉnh Đông Nam bộ, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang gồng gánh, nỗ lực vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Nhờ đó, số thu ngân sách nhà nước tiếp tục đạt khá trong 7 tháng đầu năm và tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, bất chấp nền kinh tế đang ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp còn thể hiện ở tình hình đăng ký kinh doanh 7 thàng năm 2021. Đối nghịch với gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể; cũng có đến 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký.
Lý giải thực tế trên trong suốt hơn 1 năm qua, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phân tích, một là, tính linh hoạt của doanh nghiệp. Khoảng 25% các doanh nghiệp đã chuyển đổi nhanh chóng từ quản lý, điều hành, kinh doanh truyền thống sang trực tuyến, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử được đẩy mạnh.
Để tiếp sức cho doanh nghiệp duy trì hoạt động trong hoàn cảnh hết sức khó khăn hiện nay, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế các cấp sẽ nhanh chóng đưa các chính sách hỗ trợ vào thực hiện, trực tiếp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kịp thời.
Hai là, các doanh nghiệp Việt vốn kiên cường và bền bỉ. Họ chủ động xoay xở trong đại dịch, nhờ những sáng kiến dù chỉ là tạm thời như “một cung đường, hai điểm đến” hay “ba tại chỗ”...
Để tiếp sức cho doanh nghiệp duy trì hoạt động trong hoàn cảnh hết sức khó khăn hiện nay, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế các cấp sẽ nhanh chóng đưa các chính sách hỗ trợ vào thực hiện, trực tiếp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kịp thời, thiết thực tại hội nghị giao ban trực tuyến triển khai các trương trình kế hoạch công tác tháng 8 và những tháng còn lại của năm 2021 do Bộ Tài chính tổ chức gần đây.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), đánh giá tác động thu ngân sách, nắm bắt thông tin, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về gói giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để kịp thời giải trình. Đồng thời, chỉ đạo các vụ, đơn vị chủ động nghiên cứu tham mưu để trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành các văn bản triển khai thực hiện; xây dựng các kịch bản để tuyên truyền ngay đến các đối tượng thụ hưởng.