Thích ứng với đại dịch: Nhiều doanh nghiệp chủ động xoay chuyển tình thế
Đợt bùng phát Covid - 19 lần thứ tư gần như cuốn phăng mọi nỗ lực chống dịch trước đó. Nhiều doanh nghiệp "chết lâm sàng" nhưng cũng không ít đơn vị biết tận dụng hỗ trợ của Chính phủ để thích ứng...
Trên đây là nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn kinh tế trực tuyến: “Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid 19” được tổ chức cuối tuần qua.
THÍCH ỨNG ĐỂ TỒN TẠI
Chia sẻ áp lực doanh nghiệp phải chịu đựng suốt hơn một năm qua, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam giãi bày, cộng động doanh nghiệp trải qua một năm bấp bênh, chịu nhiều áp lực. Giờ đây, cộng đồng doanh nghiệp và người dân lại đang phải chống chọi với dịch bệnh với những dự báo rất khó lường.
Dịch bệnh lần thứ 4 khiến các doanh nghiệp lao đao về tài chính do không thu được tiền bán hàng, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Nhiều đơn hàng bị hủy, quy mô sản xuất giảm trong khi tích lũy vốn của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thiếu cả nguồn lao động do chính sách giãn cách xã hội, trong khi có những doanh nghiệp thừa nguồn lao động do thu hẹp sản xuất.
“Chính sách giãn cách tác động ngược với chính sách phát triển kinh tế. Doanh nghiệp cần có điều kiện giao lưu, thông thường, nay lại gặp trở ngại”, ông Nam nói.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách tương đối kịp thời. Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khoảng 70% doanh nghiệp hài lòng với chính sách này, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng lại thấp hơn nhiều, do khoảng trống giữa chính sách và thực thi.
Ông Nam cho biết, doanh nghiệp đang dần đuối sức và rút lui khỏi thị trường. Khó khăn này nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh. Nhưng rủi ro đó lại có tính hai mặt. Đó là, nếu doanh nghiệp biết tận dụng và coi đó là cơ hội để tái cấu trúc mạnh mẽ, chuyển đổi số để hòa nhập tốt hơn trong kỷ nguyên số hóa, sẽ nhận được giá trị thực của phát triển bền vững.
“Khó khăn rất lớn, nhưng chính đại dịch tạo ra môi trường để khẳng định bản lĩnh của những nhà quản trị doanh nghiệp. Họ thực sự sáng tạo, quyết đoán nhanh hơn với những thay đổi không lường trước của diễn biến dịch bệnh. Từ đó, chớp nhanh cơ hội, thời cơ, tạo thành quả cho nền kinh tế”.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Đồng ý quan điểm trên, theo ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP dương liên tục, chính là nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực của một bộ phận lớn doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tác động của dịch bệnh. Đó chính là nhiều nhà máy duy trì hoạt động bằng phương thức “một cung đường, hai điểm đến” hay sản xuất “ba tại chỗ”.
Những phương thức này đều chưa từng được thực hiện trong bối cảnh bình thường hay không hề nằm trong bất kỳ kịch bản nào được dự đoán sẵn. Nhưng dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp, người lao động luôn tìm ra phương thức để thích ứng.
Nhìn lại hơn 1 năm, có thể thấy, sự chuyển dịch của doanh nghiệp rất nhanh, bắt đầu từ chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh. Ông Cường dẫn chứng, trước đây, dù trước đây chưa từng hoạt động trong lĩnh vực y tế, sản xuất khẩu trang, bảo hộ, dung dịch sát trùng, sát khuẩn, nhưng nhiều doanh nghiệp nhanh chóng xoay chuyển tình thế, không chỉ cung ứng đủ hàng hoá phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, câu chuyện chuyển đổi số diễn ra chóng mặt ở hàng loạt doanh nghiệp. Rõ ràng, Việt Nam có cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0 khi nhiều doanh nghiệp chuyển sang phương thức tiếp cận thị trường bằng công nghệ, giới thiệu, kinh doanh hàng hóa thông qua nền tảng số, không dừng lại ở tiêu thụ trong nước, mà vươn ra bắt tay, kết nối với bạn hàng nước ngoài để duy trì xuất khẩu.
CHÍNH PHỦ NHƯ "BÀ ĐỠ"
Từ đầu năm 2021 đến nay, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp tục được Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện. Bộ Tài chính dự kiến các giải pháp này sẽ đạt khoảng 135.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Riêng chính sách giảm, hoãn thuế 27.500 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng. Gói viễn thông 10.000 tỷ đồng. Gói vaccine 25.200 tỷ đồng. Gói điện, nước, phí, chi phí chống dịch hàng chục nghìn tỷ đồng và gói giảm thuế tới đây khoảng 20.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia đánh giá, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, tiền điện, nước, viễn thông, lãi suất và vốn nêu trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách, chắc chắn ngân sách sẽ hụt thu, nhưng giảm khó khăn cho doanh nghiệp là cần thiết.
Theo phân tích của ông Hoàng Văn Cường, doanh nghiệp đang khó khăn, dù không hoạt động, vẫn phải đóng khoản thuế, như tiền thuê đất, nếu không miễn, giãn, hoãn thuế, sẽ vô hình chung khoác gánh nặng lên cho doanh nghiệp.
“Hoặc doanh nghiệp đang cố gắng, nỗ lực để tái khởi động kinh doanh, duy trì hoạt động kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động nhưng có một chút thu nhập, đã nếu bị thu thuế ngay, doanh nghiệp không có nguồn để bù đắp lại khoản chi phí phải tăng lên. Việc giãn hoãn giảm nguồn thu ngân sách, nhưng giảm đi khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Cường chỉ rõ.
Từ đó, tránh được tình trạng doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ trong chuỗi cung ứng, chuỗi bạn hàng, nếu phá sản, sẽ làm suy giảm cả nền kinh tế, sẽ ảnh hưởng thu lâu dài không chỉ của năm nay.
Tuy nhiên, PGS.TS. Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cũng lưu ý, những chính sách cần tiếp tục hướng đến nhiều đối tượng khác nhau chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Về kinh tế, đã góp phần tạo điều kiện về tài chính để doanh nghiệp vượt khó, tăng trưởng kinh tế. Về xã hội, đảm bảo không bỏ ai lại phía sau.
Ông Trường phân tích, với những doanh nghiệp vẫn đang hoạt động, vẫn có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận giảm do tác động của Covid, thì hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp rất có ý nghĩa trong việc gia tăng nguồn thu nhập để lại cho doanh nghiệp, để tái đầu tư.
“Nhưng với những doanh nghiệp đang thua lỗ, nguy cơ đóng cửa, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có giá trị. Có thể họ vẫn tiêu thụ được hàng hóa, vẫn cung ứng được dịch vụ nhưng chi phí đầu vào tăng, dẫn đến bị lỗ, thì chính sách thuế giá trị gia tăng mới phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính. Hiện đang đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng với một số lĩnh vực khó khăn nhất định”, ông Trường cho biết.
Hoặc với những doanh nghiệp gặp khó khăn, không cung cấp được dịch vụ, không có lợi nhuận, chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng không có tác dụng. Trong trường hợp này, chính sách hỗ trợ giảm tiền thuê đất hoặc gia hạn tiền thuê đất có ý nghĩa tích cực với doanh nghiệp. Hay đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn nên quy mô kinh doanh, thì việc giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân với hộ cá nhân kinh doanh lại có ý nghĩa.
Trong bối cảnh dịch bệnh, theo ông Trường, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp hay dân cư than khó, mà chính Nhà nước cũng hết sức khó khăn do những khoản chi tăng thêm do chi phòng ngừa dịch bệnh, chi phí mua vaccine. “Bản thân nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch bệnh tăng trưởng chậm lại, thì nguồn thu của thuế cũng giảm đi. Áp lực cân đối ngân sách nhà nước rất lớn. Chúng ta phải đoàn kết, đồng lòng, mới vượt qua được dịch bệnh, bảo vệ được sức khỏe nhân dân và hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội”, ông Trường quả quyết.