15:36 02/12/2024

Ngành chăm sóc sức khỏe dư dả tiềm năng

Minh Anh

Xu hướng già hóa dân số, bệnh mãn tính và sự gia tăng quan tâm đến sức khỏe tinh thần đã khiến chăm sóc sức khỏe trở thành nhu cầu thiết yếu, định hình cách sống và tiêu dùng của hàng triệu người trên toàn cầu...

Ảnh minh hoa.
Ảnh minh hoa.

Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu đạt giá trị 6,32 nghìn tỷ USD vào năm 2023, theo một báo cáo từ Viện Sức khỏe Toàn cầu (Global Wellness Institute - GWI), một tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực này. Con số này cao hơn 25% so với năm 2019, khiến ngành chăm sóc sức khỏe có giá trị vượt qua cả lĩnh vực thể thao và dược phẩm. Báo cáo dự đoán rằng khi các lĩnh vực tiếp tục phục hồi sau đại dịch, nền kinh tế chăm sóc sức khỏe có thể đạt gần 6,8 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2024.

Những con số tăng trưởng ấn tượng xuất phát từ định nghĩa rộng của GWI về “chăm sóc sức khỏe”. Theo tổ chức này, chăm sóc sức khỏe là “quá trình chủ động theo đuổi các hoạt động, lựa chọn và lối sống hướng đến trạng thái sức khỏe toàn diện”. Báo cáo Global Wellness Economy Monitor đã theo dõi chi tiêu trong 11 lĩnh vực, bao gồm du lịch, bất động sản và các sáng kiến về y tế cộng đồng.

Ngành chăm sóc sức khỏe dư dả tiềm năng - Ảnh 1

Trong nghiên cứu, GWI chia nhỏ Wellness thành nhiều hạng mục rộng lớn, trong đó hạng mục lớn nhất - chăm sóc cá nhân và sắc đẹp - có giá trị ước tính 1,08 nghìn tỷ USD. Ngay sau đó là hạng mục ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng và giảm cân, trị giá 1,07 nghìn tỷ USD; con số này không bao gồm thị trường thuốc giảm cân theo toa đang phát triển nhanh chóng như Ozempic. Các hạng mục khác của ngành công nghiệp Wellness mà GWI đưa ra bao gồm du lịch chăm sóc sức khỏe; các hoạt động thể chất như đến phòng gym; và y tế cộng đồng, cùng với y học cổ truyền và thực phẩm chức năng bổ sung...

DU LỊCH CHĂM SÓC SỨC KHOẺ LÊN NGÔI

Du lịch chăm sóc sức khỏe đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo là một trong 6 xu hướng du lịch sẽ phát triển mạnh trong thế kỷ 21. Tại Việt Nam, du lịch chăm sóc sức khỏe cũng đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau đại dịch. Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, lượng khách quốc tế đến Việt Nam với mục tiêu chăm sóc sức khỏe tăng trung bình 12% mỗi năm trong giai đoạn 2017 - 2024, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng trung bình từ 12 - 15% mỗi năm.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch Quốc gia), cho biết Việt Nam hiện có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 780.000 buồng, gần 600 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 - 5 sao, trong đó có 180 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã triển khai các hoạt động spa và chương trình chăm sóc sức khỏe cho khách lưu trú. Dự báo doanh thu từ ngành chăm sóc sức khoẻ có thể đạt tới 3 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia.

Ngành chăm sóc sức khỏe dư dả tiềm năng - Ảnh 2

Khảo sát thực tế, du lịch chăm sóc sức khỏe Việt Nam được hình thành dựa trên các hoạt động ngoài trời kết hợp với phương pháp trị liệu như tắm khoáng nóng, tắm bùn, xông hơi, thanh lọc, thải độc, thiền định, yoga, đi bộ... nhằm chăm sóc sức khỏe, đồng thời xoa dịu tinh thần, gia tăng khả năng chữa lành. Theo thống kê của ngành Địa chất, cả nước có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng, trong đó có 11 loại có tác dụng chữa bệnh. Nếu được đầu tư đúng cách, đây sẽ là những địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49-2024 phát hành ngày 2/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Ngành chăm sóc sức khỏe dư dả tiềm năng - Ảnh 3