09:21 16/01/2008

Ngành điện tử “hậu” WTO: “Chưa thấy “ông” nào bị phá sản!”

Thùy Trang

Kể từ khi hội nhập WTO tới nay, các doanh nghiệp trong ngành điện tử Việt Nam vẫn đứng vững

"Sau 1 năm Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp vẫn đứng vững được, chưa thấy “ông” nào bị phá sản".
"Sau 1 năm Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp vẫn đứng vững được, chưa thấy “ông” nào bị phá sản".
Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rất nhiều chuyên gia cảnh báo ngành điện tử trong nước sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm ngoại nhập, nhiều doanh nghiệp có thể bị phá sản.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, kể từ khi hội nhập WTO tới nay, các doanh nghiệp của ngành vẫn đứng vững, chưa doanh nghiệp nào bị phá sản hay giảm doanh thu.

Sau một năm Việt Nam chính thức tham gia tổ chức thương mại lớn nhất thế giới WTO, ông nhận thấy ngành điện tử phát triển thế nào?

Sau một năm Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp vẫn đứng vững được, chưa thấy “ông” nào bị phá sản.

Đầu tiên chúng tôi cũng lo khi hội nhập WTO, s có đến 1/3 doanh nghiệp ngành điện tử sập tiệm. Sau điều tra kỹ, việc cắt trợ cấp cũng không bị ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp. Việc kinh doanh của doanh nghiệp điện tử vẫn không giảm doanh thu vì WTO.

Có điều, đến thời điểm hiện nay vẫn có tới 1/3 doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp điện tử vẫn chưa hiểu rõ về luật WTO, chưa nắm được luật chơi. Cạnh tranh của WTO chắc chắn sẽ có những tác động tới các doanh nghiệp, song đến thời điểm này các doanh nghiệp vẫn chưa kịp thời chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa kịp thời có nguồn nhân lực mới mà thực tế nguồn nhân lực của doanh nghiệp nặng nhất là khó khăn về ngoại ngữ.

Trên thực tế, các doanh nghiệp điện tử và công nghệ thông tin có tới hơn phần nửa tiếng Anh chưa thạo lắm. Hay các doanh nghiệp trong nước cần phải tìm hiểu kỹ hơn nữa thị hiếu của người tiêu dùng và đi vào các sản phẩm mà các doanh nghiệp lớn không làm. Hiện nay, chúng tôi tập trung vào lắp ráp máy tính. Sản phẩm trong nước có chỗ đứng trên thị trường nội địa là: tivi của Hanel, BTV, DENCO, máy tính CMS, đầu đĩa karaoke Tiến Đạt...

Trong hội nhập, chất lượng hàng điện tử của Việt Nam so với hàng nhập ngoại có thay đổi nhiều không, thưa ông?

Các sản phẩm lắp ráp của Việt Nam được thực hiện bởi các nhà sản xuất nước ngoài như: Sony, Samsung..., chất lượng cũng không thua kém so với chất lượng các sản phẩm được lắp ráp ở các nước khác bởi tiêu chuẩn tương đối phù hợp với nhau.

Vừa rồi, tại chợ Nhật Tảo-Tp.HCM phát hiện hơn 1.000 linh kiện gắn mác Sony chất lượng thấp, đó là do sản phẩm đã bị làm nhái. Các sản phẩm chất lượng kém phần lớn là rơi vào hàng nhái, hàng giả. Đối với các nhà sản xuất của Việt Nam như Tiến Đạt, máy tính của CMS... thì sản phẩm không thua gì sản phẩm của nước ngoài.

Tất nhiên, chúng ta cũng khó có thể so bì được với các sản phẩm cao cấp.

Chất lượng của hàng điện tử không chỉ dừng lại ở sản phẩm bền, đẹp... mà còn cả ở cơ chế bảo hành, bảo trì. Nhưng thực tế vấn đề này các doanh nghiệp vẽ ra để làm khó người tiêu dùng, ông có nghĩ vậy không?

Đây là vấn đề rất nhạy cảm bởi đối với mặt hàng điện tử - tin học, giá các sản phẩm thường cao mà lại hay hỏng hóc nên việc bảo hành, bảo mại trở thành vấn đề lớn của ngành. Thực tế thời gian qua đã xảy ra một số trục trặc trong bảo hành, bảo trì là do 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là người tiêu dùng chưa hiểu rõ lắm về quyền lợi của mình, nhiều khi họ có lý trong khiếu nại song lại đi những bước không đúng, đến chưa đúng chỗ, kiến thức của người tiêu dùng sử dụng thiết bị công nghệ cao chưa cao nên tự mình làm hỏng và gây ra những khiếu kiện vô lý.

Thứ hai, các nhà phân phối của ta hiện nay hầu hết là nhà phân phối nhỏ, số các nhà phân phối lớn như: Nguyễn Kim, Kim Cô... còn ít, nên phần lớn nhà phân phối không chính thức bán hàng không phải là hàng chính hãng, chế độ bảo hành, hậu mại của họ không rõ ràng và thậm chí chỉ bán hàng mà không có địa chỉ để bảo hành.

Trong thời gian qua cũng nổi lên một vấn đề, có quá nửa các khiếu nại của khách hàng là nằm trong các sản phẩm công nghệ thông tin và viễn thông, nhất là với sản phẩm điện thoại di động. Riêng với điện thoại di động, hàng trôi nổi rất nhiều nên để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng nên mua sản phẩm của các nhà phân phối lớn, chính hãng để tránh những phiền hà sau này.

Trên thị trường nước ta, hàng điện tử giảm giá mạnh, nhiều ý kiến cho rằng đó là vì các doanh nghiệp đang muốn tiêu thụ hết hàng để đối phó với giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO, ông nghĩ về vấn đề này thế nào?

Sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin thay đổi rất nhanh. Trước đây 1 năm có thể các sản phẩm đã lỗi thời, lỗi mode nhưng bây giờ 6 tháng, thậm chí 3 tháng là các sản phẩm đã lỗi thời. Các sản phẩm đó có thể không phải là hàng cũ nhưng các doanh nghiệp phải làm như thế để giải phóng kho, thu hồi vốn, để nhập tiếp hàng mới.

Thực chất, việc giảm giá các mặt hàng điện tử hiện nay đúng là cam kết WTO bắt buộc chúng ta phải giảm giá. Gia nhập WTO, mặc dù các nhà sản xuất của Việt Nam nói chung chứ không riêng gì ngành điện tử bị ảnh hưởng bởi phải hạ thuế nhập khẩu nhưng người tiêu dùng sẽ được lợi.

Trong khi các sản phẩm khác “được” tăng giá như xăng dầu thì điện tử phải giảm giá. Hàng điện tử giảm giá ngoài lý do cam kết với WTO là thuế nhập khẩu của mặt hàng này giảm, còn nguyên do nữa là từ 01/01/2008, Việt Nam đã mở của cho các nhà bán buôn và đến 01/01/2009 các nhà bán lẻ sẽ được phép hoạt động tại Việt Nam.

Trong điều kiện đó, các nhà phân phối, bán lẻ trong nước không tiêu thụ hết những hàng đã nhập hoặc có những chiêu thức nào đó để tiêu thụ thì doanh nghiệp nước ta sẽ khó có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, việc giảm giá hàng điện tử cũng là chiêu các doanh nghiệp hút khách hàng để khách hàng làm quen với thương hiệu, doanh nghiệp, cũng là một biện pháp để chống trả với các nhà phân phối nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp điện tử trong nước sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn, thưa ông?

Đúng là các doanh nghiệp Việt Nam đang ở vào hoàn cảnh rất khó khăn. Cam kết WTO đặt các doanh nghiêp cả sản xuất và cả doanh nghiệp phân phối trước những khó khăn rất lớn. Doanh nghiệp sản xuất thì gặp vấn đề bãi bỏ trợ cấp, ưu đãi như trợ cấp xuất khẩu, trợ cấp nội địa hoá... Xưa nay các doanh nghiệp của ta quen với "bầu sữa" Nhà nước nên bây giờ bỏ những trợ cấp đó đi thấy ngay khó khăn.

Vấn đề nữa là thuế nhập khẩu giảm nên sản phẩm nước ngoài vào ồ ạt nên càng khó khăn trong cạnh tranh. Trong lĩnh vực phân phối, các nhà bán buôn nước ngoài đã vào từ 01/01/2008; còn đến 01/01/2009 các nhà bán lẻ sẽ vào và đến 01/01/2010 thì cả bán buôn và bán lẻ đều hoạt động như các doanh nghiệp nội địa nên khó khăn sẽ lại chồng chất khó khăn.

Tuy vậy, nói như thế không có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam đã hết đường. Chúng ta vẫn để thực hiện các cam kết. Ví dụ cách đây gần 2 năm, khi cam kết AFTA có hiệu lực hoàn toàn (từ 01/01/2006) khi các sản phẩm điện tử nguyên chiếc của các nước ASEAN nhập vào Việt Nam còn thuế 5%, nhiều người đã đoán ngành điện tử sẽ sập tiệm. Nhưng đến nay, Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam không những không phá sản mà còn đứng vững, số doanh nghiệp thành viên đang tăng mạnh từng ngày.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp điện tử nước ta vẫn còn yếu, ông có lời khuyên nào cho họ?

Hiện nay, doanh nghiệp nước ta có 2 điểm yếu. Thứ nhất đó là vốn ít. Thứ hai là công nghệ chưa cao. Hai điều này chắc chắn làm các doanh nghiệp nước ta cạnh tranh rất khó khăn. Để tăng sức mạnh, ngoài việc tận dụng nguồn nhân lực trẻ, khoẻ, những trình độ chưa cao, cần phải có nâng cấp, đào tạo.

Trong những năm tới, với các cam kết của WTO rõ ràng, minh bạch hơn các doanh nghiệp nên chuẩn bị theo 3 hướng. Hướng 1 là chuyển đổi hướng sản phẩm, từ làm sản phẩm dân dụng sang làm sản phẩm chuyên dụng. Hướng hai là từ sản xuất sản phẩm sang sản xuất linh kiện, phụ tùng. Hướng ba là các doanh nghiệp quan tâm đến thiết kế sản phẩm mới, tự mình thiết kế chứ không phải đi cóp nhặt sản phẩm của các nước khác nữa.

Thế còn tương lai ngành điện tử trong năm 2008 này sẽ ra sao, thưa ông?

Mấy năm vừa qua, mức tăng trưởng của ngành đã đạt 2 con số, khoảng từ 10- 12% và đến năm 2010 vẫn tiếp tục là như vậy. Có thể, đến năm 2010, ngành điện tử nước ta sẽ tăng trưởng mạnh bởi theo cam kết của Việt Nam với WTO thì đến năm đó thuế đánh vào mặt hàng này là 0%, mức sống của người tiêu dùng tăng và thiết bị công nghệ mới ra đời liên tục nên dự báo sức mua sẽ tăng lên.

Đặc biệt, các sản phẩm số như điện thoại di động, máy ảnh số, máy quay số và máy tính xách tay sẽ tăng trưởng, phát triển rất mạnh. Hiện nay máy tính xách tay đang lấn át thị phần máy tính để bàn, đó là xu hướng của mấy năm sắp tới.