17:20 07/01/2009

Ngành điện tử và bài học Orion Hanel

Thùy Trang

Trường hợp Orion Hanel xin phá sản là điều tất nhiên, liên quan đến tầm nhìn của công nghệ

Sau những nỗ lực giải cứu không thành, Công ty TNHH Đèn hình Orion-Hanel đang tiến hành làm thủ tục xin phá sản, chấm dứt sự huy hoàng một thời của doanh nghiệp này.
Sau những nỗ lực giải cứu không thành, Công ty TNHH Đèn hình Orion-Hanel đang tiến hành làm thủ tục xin phá sản, chấm dứt sự huy hoàng một thời của doanh nghiệp này.
Trường hợp Orion Hanel xin phá sản là điều tất nhiên, liên quan đến tầm nhìn của công nghệ.

Đó là nhận định của ông Trần Quang Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - trong câu chuyện với chúng tôi về hướng đi cần có của ngành điện tử Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Hùng nói:

- 10 năm trước, ống đèn hình có vẻ thông dụng, nhưng khi đó cũng manh nha sản xuất sản phẩm màn hình phẳng. Lúc đó, nếu doanh nghiệp nhìn nhận ra vấn đề, có thể đầu tư từng phần và chuyển đổi sản xuất thì có thể khắc phục được.

Tuy nhiên, thực tế Orion Hanel đã không theo kịp với sự tiến bộ về khoa học và công nghệ sản xuất nên khi chuyển đổi sản xuất giữa công ty mẹ và đối tác sản xuất phía Việt Nam, không đủ vốn để đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao nên bị phá sản là tất nhiên.

Hoặc như trường hợp của Sony, họ đóng cửa sản xuất nhưng việc đóng cửa được dự báo và tính toán trước. Khi Sony đầu tư vào Việt Nam họ chỉ đầu tư vài chục triệu USD, với nguồn vốn vài chục triệu USD trong ngành công nghiệp sản xuất điện tử là rất nhỏ.

Sony chỉ đầu tư vào lắp ráp và sản xuất trong nước. Năm 2004 khi hết hạn liên doanh, Sony đã xin ra hạn thêm đến 2006 và 2008. Như vậy họ đã dự đoán được điểm rơi của việc Việt Nam vào WTO để ngừng sản xuất.

Khi họ giải thể liên doanh, ba bên hợp tác đều “happy”. Phía đối tác và phía Việt Nam đều có lợi nhuận, chúng ta có nhân lực được đào tạo, doanh nghiệp và người lao động có quyền lợi.

Theo nhận định của Hiệp hội, khủng hoảng kinh tế chắc chắn sẽ có độ trễ khi tác động đến các doanh nghiệp của ngành. Theo ông, sau hai năm hội nhập WTO, các doanh nghiệp điện tử nước ta được hay mất nhiều hơn?

Tôi nghĩ rằng, cả hai vấn đề này là gần bằng nhau. Cái được lớn nhất trong hội nhập WTO là các doanh nghiệp đã được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, các công nghệ, nguồn vốn, nguyên vật liệu; các thông tin được công khai, không bị phân biệt đối xử.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam không bị ép giá, công nghệ được đầu tư. Các doanh nghiệp nước ngoài vào đã nhiều hơn, chưa ào ạt, nhưng đã có những đại gia như Intel, Foxcon, Canon...

Tuy nhiên, cái mất cũng nhiều, như cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp có nhiều công nghệ hiện đại, vốn lớn, trong khi các doanh nghiệp nước ta quy mô vừa và nhỏ.

Thị trường cũng bị mất nhiều, kể cả thị trường nội địa. Thời điểm 1/1/2008, bắt đầu có sự xuất hiện của các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ vào thị trường trong nước để liên doanh như BigC, Kevin... chúng ta đã bị mất một phần thị trường ngành bán lẻ. Từ 1/1/2009, chúng ta mở cửa hoàn toàn, chắc chắn thị trường bán lẻ còn bị mất nhiều hơn. Không những thế, các doanh nghiệp không trụ được trong cạnh tranh sẽ bị phá sản.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được. Các doanh nghiệp không có khả năng hoạt động, có thể đóng cửa nhưng sẽ xuất hiện các cơ hội mới, có thể mở thêm các doanh nghiệp theo hình thức khác, chuyển đổi cách làm ăn và hoạt động.

Sắp tới, liệu nhiều doanh nghiệp điện tử không có hình thức chuyển đổi hoạt động nhanh sẽ gặp khó khăn lớn, thưa ông?

Tất nhiên, đây là quy luật của nền kinh tế thị trường, cạnh tranh sẽ lộ diện các doanh nghiệp làm ăn được và sẽ có các doanh nghiệp phá sản. Đầu những năm 1990, chúng ta có hơn 100 doanh nghiệp lắp ráp tivi, đến nay còn lại khoảng gần 10 doanh nghiệp. Đó là sự chuyển đổi rất tự nhiên, nhưng chúng ta phải thấy được điện tử là ngành công nghiệp có sự chuyển đổi rất nhanh.

Mấy năm trước đây, chẳng có ai biết được các máy iPod, các máy nghe nhạc nhỏ sẽ thay thế các máy cassette, các đĩa nhạc. Tốc độ thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự nhìn nhận, nắm bắt kỹ hơn, nhanh nhạy và đầy đủ hơn về khoa học và công nghệ. Ngành công nghiệp điện tử là một trong những ngành sản xuất rất khắc nghiệt.

Khi hội nhập, phải chăng các doanh nghiệp điện tử trong nước nên tập trung vào sản xuất công nghiệp phụ trợ hơn là đối đầu trực tiếp với các doanh nghiệp lớn, thưa ông?

Điều này, không phải đến bây giờ mới được nói tới mà chúng tôi đã khuyên các doanh nghiệp và nhà nước từ rất lâu rồi. Chúng ta không thể làm những việc như ở các nước đang phát triển đang làm. Thái Lan có khoảng 50-60 doanh nghiệp lắp ráp, nhưng họ có tới 1.800 doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm, công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp kia.

Chúng ta cũng có khoảng 50-60 doanh nghiệp lắp ráp, nhưng chỉ có khoảng gần 100 doanh nghiệp cung cấp linh kiện và các sản phẩm phụ trợ. Số doanh nghiệp cung cấp linh kiện, các sản phẩm phụ trợ trong ngành công nghiệp điện tử lớn gấp vài lần số doanh nghiệp lắp ráp.

Nhưng ở Việt Nam không đủ tỷ lệ như vậy nên phải đi mua hoặc là cóp của người khác về làm. Các doanh nghiệp nên tập trung vào một số mặt hàng chính của mình, các mặt hàng thế mạnh, nếu làm tốt sẽ bán được hàng, có chỗ đứng trên thị trường.

Để cứu vãn các doanh nghiệp, lúc này Nhà nước cần phải có chính sách gì để hỗ trợ?

Nhà nước đã nhận thấy vấn đề trở nên cấp bách và đã có các chính sách nhưng chưa đủ, cần phải có nhiều cơ chế thêm. Bất cập vẫn nổi lên ở các cơ chế và chính sách như thuế nhập khẩu linh kiện vẫn cao hơn so với thuế nhập khẩu nguyên chiếc.

Như máy giặt, theo cam kết AFTA, ASEAN, thuế là 0-5%, nhưng khi nhập cầu chì, bảng mạch trong sản phẩm máy giặt thuế lại lên tới 27%. Điều này là bất cập, không kích thích được sản xuất.

Chúng ta cần có chính sách thuế phù hợp hơn, đánh thuế, truy thu thuế như vậy có thể thực hiện được, nhưng sẽ “giết” nhiều doanh nghiệp. Cần có các phương án đầu tư cho sản xuất, kích thích sản xuất.