10:00 13/11/2008

Ngành giáo dục chăm ngọn, bỏ gốc?

Minh Thúy

Nhiều đại biểu phàn nàn Bộ Giáo dục và Đào tạo không quan tâm đến giáo dục mầm non là chăm ngọn, bỏ gốc

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Phạm Thị Hoà chất vấn thành viên Chính phủ - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Phạm Thị Hoà chất vấn thành viên Chính phủ - Ảnh: TTXVN.
Liên tục được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trả lời ngắn gọn, không cần trình bày theo kiểu chuyên đề, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân hoàn thành hơn 100 phút chất vấn chiều 12/11 khá chật vật.

Mặc dù có rất nhiều thông tin được đưa ra, song hầu hết những câu trả lời của ông khộng làm các vị đại biểu hài lòng. Nhiều đại biểu đã gửi câu hỏi từ trước phàn nàn là chưa nhận được câu trả lời.

Liệu có “bệnh thành tích” mới?

Nêu thực trạng ít chăm lo giáo dục mầm non trong khi mở tràn lan các trường đại học và chủ trương đào tạo cấp tốc 20.000 tiến sĩ, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) chất vấn: "Có phải Bộ đang làm quy trình ngược là chỉ lo cho phần ngọn mà ít quan tâm đến việc chăm sóc phần gốc? Chính việc làm của Bộ lại đang tạo ra căn bệnh thành tích mới. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và khắc phục thế nào?"

Bộ trưởng giải thích, rất quan tâm đến phổ cập mầm non nhưng chưa làm nổi vì đang phổ cập trung học cơ sở, năm nay ngành đặt chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi.

Riêng về đào tạo tiến sĩ thì các trường nhận thức  rằng không có tiến sĩ không phải trường đại học. Riêng năm học vừa rồi các trường đã thu nhận thêm hoặc đào tạo trở về được 808 tiến sĩ, bằng số tiến sĩ được bổ sung của 5 năm trước.

Không đồng tình, đại biểu Lê Văn Cuông tiếp tục nhấn nút phát biểu: “Không biết Bộ trưởng có thấy bậc học mầm non quan trọng không mà không quan tâm, cứ tập trung cho đại học với lại tiến sỹ”.

Bộ trưởng Nhân kiên nhẫn giải thích tiếp và “kết”: sự quan tâm của gia đình và cấp ủy cũng hết sức quan trọng.

Chất vấn về chất lượng các cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng ngoài công lập, đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cho rắng vấn đề đáng báo động là Bộ đang và đã cấp giấy phép thành lâp rất nhiều trường đại học và cao đẳng nhưng trong đó có nhiều trường không thực hiện đúng các cam kết đã nêu trong đề án thành lập

“Xin báo cáo là đúng như vậy”, Bộ trưởng nói và cho biết Bộ đã dự thảo  tiêu chí thành lập đại học mới chặt chẽ hơn và sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện cam kết

Đồng thời Bộ trưởng vẫn khẳng định phải tăng số trường đại học cao đẳng, bởi hiện nay, tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân của Việt Nam thấp hơn nhiều nước khác.

Lạc hậu đến bao giờ?

Khắc phục sự lạc hậu của hệ thống giáo dục như thế nào là câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Thám (Tp.HCM), cũng là mối quan tâm của  nhiều đại biểu khác.

Theo Bộ trưởng thì chương trình phổ thông về cơ bản tương đối theo kịp các nước. Còn về chương trình đại học thì xây dựng chưa đủ các chương trình khung.

Bộ trưởng cho biết, một trong những giải pháp là chương trình đại học, cao đẳng sẽ do các trưởng khoa cùng ngành nghề cả nước, do hiệu trưởng cùng ngành nghề cùng xây dựng,

Không hy vọng Bộ trưởng trả lời thỏa mãn, đại biểu Trần Hoàng Thám không tiếp tục chất vấn mà kiến nghị “sau kỳ họp này Bộ trưởng nên bàn với những chuyên gia, những nhà quản lý làm thế nào để giải quyết cái lạc hậu của nền giáo dục nước nhà và cần có cơ chế quản lý gì trong điều kiện hội nhập quốc tế đối với ngành giáo dục”.

Ngày 13/11, Quốc hội dành trọn buổi sáng nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trực tiếp, khép lại nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.