Ngành hàng xa xỉ có thể giảm doanh thu do biến động kinh tế
Tầng lớp trung và thượng lưu bắt đầu cảm thấy “ngộp thở’’ trong cơn khủng hoảng tài chính và xung đột địa chính trị. Nhu cầu của họ đối với các mặt hàng xa xỉ cũng vì thế mà dần co hẹp…
Sự biến động của thị trường chứng khoán, lạm phát và lo ngại lãi suất tăng có thể giảm tốc tất cả thành phần của nền kinh tế, ngay cả nhu cầu đối với hàng xa xỉ. Gary Friedman, CEO hãng bán lẻ đồ nội thất cao cấp RH, cho biết hãng này "đã ghi nhận sự sụt giảm nhu cầu trong quý 1, trùng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cuối tháng 2 và biến động thị trường sau đó". Theo ông Friedman, lạm phát đã thâm nhập mọi nơi, từ nhà hàng đến xe hơi và nhiều lĩnh vực khác.
Jeff Gennette, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng bách hóa Macy’s, có trụ sở ở New York, cho biết công ty ông đã tăng giá một số sản phẩm nệm và ghế sofa thêm 100 đô la, nhưng bị khách hàng phản ứng. Steven Millman, Giám đốc thương hiệu của Macy’s, thừa nhận: “Nếu tăng giá cao hơn nữa, chúng tôi sẽ chỉ bán được một nửa so với doanh số trước đây”.
Theo Neil Saunders, Giám đốc điều hành hãng tư vấn GlobalData, ở ngành hàng thời trang, một số công ty bán lẻ chứng kiến doanh số đi xuống khi nhiều người mua sắm chuyển hướng sang những đối thủ bán hàng giá rẻ hơn. Ông giải thích: “Điều này có lẽ là do ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng đang bị ép chặt”.
Các công ty phục vụ người tiêu dùng giàu có khác cũng bắt đầu cảnh báo nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tiêu cực đang diễn ra trên thế giới. "Thị trường đang trải qua biến động chưa từng có, do tác động của một số thách thức địa chính trị và kinh tế vĩ mô. Đó là chiến sự ở Ukraine và áp lực lạm phát tác động đến hoạt động kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng," Stefan Larsson, CEO PVH, công ty sở hữu các thương hiệu Tommy Hilfiger và Calvin Klein, đánh giá.
Theo hãng nghiên cứu thị trường NPD Group, doanh số bán hàng theo đơn vị của các mặt hàng cao cấp như quần áo, giày dép, đồ chơi và dụng cụ thể thao tại Mỹ đã giảm trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước. Khoảng 43% người tiêu dùng được NPD khảo sát vào tháng 2 nói rằng nếu giá tiếp tục tăng, họ sẽ trì hoãn việc mua các mặt hàng ít quan trọng hơn để duy trì kỷ luật ngân sách.
Marshal Cohen, cố vấn trưởng ngành bán lẻ của NPD, nói: “Sự nhạy cảm về giá đang bắt đầu xuất hiện. Có một ngưỡng giá mà người tiêu dùng xem là giới hạn của họ”. Phản ứng giá của người tiêu dùng Mỹ xảy ra khắp nhiều ngành hàng, trong khi các xa xỉ phẩm đang trở nên khan hiếm vì các vấn đề của chuỗi cung ứng và điều này khiến các thương hiệu có thể phải tiếp tục tăng giá bán. Hiện các nhà bán lẻ đang tìm cách xác định mức độ tăng giá bán để không làm mất khách hàng và phát triển các giải pháp ứng phó khi việc tăng giá không khả thi.
Còn theo ông Erwan Rambourg, Trưởng bộ phận nghiên cứu tiêu dùng và bán lẻ toàn cầu HSBC: “Thị trường mag chúng tôi mong đợi có sự tăng trưởng là Trung Quốc đại lục., khi các lệnh phong tỏa có thể tác động lên nhu cầu mua hàng xa xỉ tại đây”. Đồng tình với ý kiến này, tờ SCMP cho rằng doanh thu của các ngành hàng xa xỉ có thể chịu ảnh hưởng lớn bởi sự thay đổi của nhóm khách hàng thượng lưu Trung Quốc.
Việc quay lại yêu thích và ưu tiên sử dụng các thương hiệu mang đậm vẻ đẹp và văn hóa dân tộc là một xu hướng thời trang của Gen Z nước này thời gian gần đây. Xu hướng này được gọi là "guochao" (“Quốc hiệu” – thương hiệu nước nhà), thể hiện sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với văn hóa, truyền thống và các thương hiệu nội địa của Trung Quốc.
Xu hướng này càng trở nên phổ biến hơn sau Thế vận hội mùa đông được tổ chức ở Bắc Kinh vào đầu năm nay, phản ánh sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc trong nước. Các sản phẩm chất lượng cao từ các thương hiệu nội địa như Anta và Li-Ning đã dần chiếm được sự yêu thích của người tiêu dùng trẻ tuổi và chiếm được thị phần lớn hơn trên thị trường quần áo thể thao ở Trung Quốc. Tương tự là các sản phẩm mỹ phẩm kết hợp các nghi thức làm đẹp truyền thống và hiện đại của Trung Quốc đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Số liệu do Anta Sports công bố cho thấy doanh thu năm 2021 của hãng đạt 49,3 tỷ nhân dân tệ (177 nghìn tỷ đồng), tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor, Anta Sports chiếm 16,2% thị phần trong lĩnh vực quần áo và giày thể thao của Trung Quốc vào năm 2021, vượt qua Adidas với 14,8% và tiến gần hơn với người dẫn đầu thị trường Nike với 25,2%.
Bên cạnh nguy cơ sụt giảm doanh thu tại thị trường tỷ dân, các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng suy thoái toàn cầu khiến doanh số bán hàng xa xỉ chịu tác động tiêu cực. Ông Rambourg từ HSBC cho rằng, việc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine có thể khiến giá cổ phiếu của một số tập đoàn sụt giảm mạnh chính là rủi ro lớn nhất mà các ông lớn trong ngành hàng xa xỉ có thể phải đối mặt.