Ngành Thuế thu vượt dự toán trên 177.000 tỷ, không để thất thu ngân sách
Trong năm 2022, ngành Thuế sẽ tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách đặc biệt với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số...
Ngày 24/12/2021, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 với 64 điểm cầu trong cả nước. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, theo báo cáo ước thu năm 2021 của các Cục Thuế, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021, có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.
Kết quả, tổng thu ngân sách nhà nước do ngành Thuế quản lý đạt khoảng 1.293 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán trên 177 nghìn tỷ đồng, tương đương 15,8%.
CHỐNG THẤT THU THUẾ VỚI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Tổng cục Thuế khẳng định, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người dân phát huy tác dụng giúp kinh tế trong nước từ tháng 10 phục hồi trở lại, nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và đóng góp lớn cho ngân sách.
Cùng với đó, cơ quan thuế các cấp triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính sớm đưa chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí vào cuộc sống.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh thu thuế còn nhiều khó khăn, ngành Thuế lại đang bị thất thu một khoản thu khổng lồ từ sự tăng trưởng bứt tốc từ thương mại điện tử. Với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25-30%/năm, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt quy mô 52 tỷ USD vào năm 2025.
Vì vậy, trong năm 2021, Tổng cục Thuế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Cục Thuế tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.
Cụ thể, cơ quan thuế rà soát các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook...
Bên cạnh một số cá nhân tự kê khai, ngành Thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như tiếp thị, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số, ứng dụng công nghệ thông tin tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube...
Với Cục Thuế Hà Nội, thu thuế qua thương mại điện tử đóng góp cho thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 khoảng 14.000 tỷ, chiếm khoảng 6% tổng thu và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Cục Thuế Hà Nội chú trọng nắm bất những phương thức sản xuất kinh doanh mới, đặc biệt là các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất về chính sách và phương pháp quản lý hiệu quả, qua đó mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế".
Ông Mai Sơn, Cục Trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay, các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số góp phần vào kết quả tích cực trong thực hiện dự toán thu năm 2021 trên địa bàn.
Tính chung tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội do ngành thuế quản lý ước thực hiện 237.179 tỷ, vượt 9,3% dự toán pháp lệnh.
Ông Mai Sơn cho biết thêm, Cục Thuế TP. Hà Nội quản lý chặt chẽ, đầy đủ đối tượng nộp thuế và góp phần tăng thu ngân sách khoảng 110 tỷ với kết quả cụ thể ở 5 nhóm hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Một là, nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook,… Cục Thuế đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước với số thuế đã nộp năm 2021 là 56 tỷ. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai rà soát 503 người nộp thuế có doanh thu 498 tỷ với dự kiến số thu 35 tỷ.
Hai là, nhóm kinh doanh bán hàng trực tuyến (online). Cục Thuế đang quản lý dữ liệu của 32.085 địa chỉ bán hàng online qua thu thập thông tin từ trung gian vận chuyển, trong đó 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu/năm. Cục thuế tiến hành rà soát đưa vào quản lý 1.332 người nộp thuế với số nộp 12 tỷ và đang tiếp tục triển khai rà soát 2.056 cơ sở bán hàng online còn lại.
Ba là, nhóm kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng. Cục Thuế đang quản lý dữ liệu của 756 chủ cơ sở với 2.307 địa chỉ cho thuê nhà qua ứng dụng thu thập từ trung gian cho thuê nhà, trong đó, có 49 chủ cơ sở có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, doanh thu ước tính 10 tỷ, dự kiến số thu 1 tỷ.
Bốn là, nhóm tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài. Cục Thuế đã thu thập và quản lý dữ liệu phát sinh chi trả cho các nhà thầu nước ngoài của 1.447 cá nhân, tổ chức với số tiền chi trả khoảng 46 tỷ, dự kiến số thuế phải nộp là 4,6 tỷ đồng.
Năm là, nhóm doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shoppe.., điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán, ứng dụng trung gian vận chuyển. Cục Thuế TP. Hà Nội hoàn thành thanh kiểm tra tại 6 doanh nghiệp, với tổng số tiền truy thu, phạt 1,9 tỷ; giảm lỗ 66 tỷ đồng.
MỞ RỘNG NGUỒN THU
Năm 2022 Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách cho ngành Thuế là 1.174.900 tỷ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô là 28.200 tỷ đồng và thu nội địa là 1.146.700 tỷ đồng. Tổng cục Thuế đánh giá, đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường với nhiều biến chủng mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, toàn ngành sẽ tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, góp phần giúp người nộp thuế duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh việc tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế bằng các hình thức trực tuyến.
Đồng thời, cơ quan thuế các cấp sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu thu. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu.
Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội, ông Mai Sơn cho biết, sẽ tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả.
"Bên cạnh các phương thức truyền thống thì việc ứng dụng các hình thức trực tuyến dựa trên nền tảng số như tổ chức hội nghị khen thưởng trực tuyến, đối thoại trực tuyến có tác dụng lan tỏa, có khả năng tiếp cận với số lượng lớn người nộp thuế và mang lại hiệu quả rất cao, kịp thời truyền tải các chính sách, thủ tục hành chính mới cũng như tháo gỡ vướng mắc của người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ thuế", ông Mai Sơn khẳng định.
Đồng thời, tiếp tục quản lý chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất xây dựng chính sách phù hợp như về tỷ lệ thu, về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp. Không ngừng cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đối với hoạt động này bao gồm tài khoản VNĐ, tài khoản ngoại tệ, dữ liệu thu thập từ các doanh nghiệp trung gian…