09:59 05/09/2007

Ngành thủy sản không “tránh bão”

Đa số những “tân binh” sắp lên sàn Tp.HCM là thuộc ngành thủy sản, một ngành có kết quả kinh doanh nổi trội thời gian qua

Ngành thủy sản đang có kết quả kinh doanh rất ấn tượng.
Ngành thủy sản đang có kết quả kinh doanh rất ấn tượng.
Thay vì trì hoãn niêm yết nhằm tránh những bất lợi do sự suy giảm của thị trường, một số doanh nghiệp thủy sản vẫn kiên trì giữ lộ trình lên sàn.

Hành động này là liều lĩnh hay họ có cơ sở để tự tin?

“Tân binh” chuẩn bị nhập sàn

Trong tháng 8 vừa qua, sàn giao dịch TPHCM liên tiếp chứng kiến những “tân binh” được đưa vào giao dịch và thị giá cổ phiếu các doanh nghiệp này ngay lập tức thường … rớt.

Giới đầu tư đã phải tự an ủi rằng dù rớt giá nhưng việc lên sàn ít nhiều giúp tăng tính thanh khoản, song ít người dám kỳ vọng sẽ tìm kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào những cổ phiếu chuẩn bị lên sàn như trước. Một số doanh nghiệp nhìn thấy sự bất lợi từ diễn biến giao dịch của những cổ phiếu mới nên đã quyết định giãn lộ trình niêm yết.

Tuy nhiên trong tháng 9 này, sàn Tp.HCM vẫn đón chào thêm “tân binh”, trong đó có doanh nghiệp chuyển sàn lẫn những doanh nghiệp lần đầu bước chân vào niêm yết. Điểm qua những gương mặt này có thể nhận ra họ có những thế mạnh để tự tin lên sàn, song điều này vẫn chưa thể đảm bảo được một kết quả như ý.

Đa số những “tân binh” sắp tới thuộc ngành thủy sản, một ngành đã có sự hiện diện trên sàn từ lâu như cổ phiếu AGF, TS4, SJ1 và ABT. Đây là ngành mang về kim ngạch xuất khẩu khá lớn, đạt giá trị 3,36 tỷ USD (năm 2006), (riêng quý 1-2007 đạt 716 triệu USD).

Thế nhưng ngành này lại góp mặt rất ít trên thị trường chứng khoán. Điều đáng ngại của ngành này là vụ kiện cá da trơn trên thị trường Hoa Kỳ, cảnh cáo dư chất kháng sinh tại thị trường Nhật… nên có những rủi ro nhất định đối với nhà đầu tư. Song ngành này có kết quả kinh doanh nổi trội trong suốt thời gian qua và ngay cả thời điểm hiện tại, rất đáng để nhà đầu tư quan tâm.

Như Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long-An Giang (ACL) có tỷ suất lợi nhuận trên vốn lên đến 50% và đây là lợi nhuận mang về thuần túy từ sản xuất kinh doanh chứ không xuất phát từ kinh doanh tài chính. Doanh thu 6 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp này đạt 246 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế là 28 tỷ đồng, một mức lợi nhuận khá tốt so với mức vốn điều lệ là 90 tỷ đồng.

Nếu so sánh với đàn anh AGF trong cùng thời điểm, thì AGF đạt doanh thu đến 565 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 29,9 tỷ đồng. Trong khi ấy thị giá hiện tại của AGF đang ở mức 97.000 đồng/cổ phiếu nên mức giá tham chiếu chào sàn của ACL vào ngày 5-9 tới nằm ở mức 74.000 đồng/cổ phiếu xem ra có cơ sở bỏ tiền vào đối với giới đầu tư.

Cơ hội mới cho nhà đầu tư?

Một yếu tố có thể giúp nhà đầu tư an tâm hơn khi 9 triệu cổ phiếu niêm yết của ACL có đến 4,2 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng. Do đó có thể tránh được việc chào bán ồ ạt khi thị giá tăng lên. Trong những cổ đông nắm trên 5% cổ phần, có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư tài chính như Quỹ đầu tư Bản Việt, Asaivatage LTD…

Bên cạnh đó, ACL chưa có tham vọng huy động vốn nhanh. Theo kế hoạch họ chỉ đặt ra mức vốn điều lệ trong hai năm tới tăng lên mức 110 tỷ đồng. Do vậy, nhà đầu tư có thể tránh được nghịch cảnh lãi cổ phiếu nhưng lỗ tiền như hiện nay khi doanh nghiệp liên tục phát hành thêm cổ phiếu huy động vốn.

Một gương mặt nữa không mấy xa lạ với giới đầu tư chính là Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú. Doanh nghiệp này chuyển sàn từ Hà Nội vào TPHCM, do vậy những chỉ số tài chính được giới đầu tư nắm khá rõ.

Nếu so sánh với các doanh nghiệp thủy sản đang niêm yết trên sàn TPHCM, điều gây chú ý nhất của Minh Phú là vốn điều lệ. Hiện doanh nghiệp này có mức vốn lên đến 700 tỷ đồng và đang có kế hoạch tăng lên mức 850 tỷ đồng vào năm tới.

Việc một số doanh nghiệp không “tránh bão” mà kiên định với thời gian biểu niêm yết chính thức cho thấy ngoài sự tự tin ra, họ còn có niềm tin vào sự phát triển của thị trường chứng khoán trong tương lai và sự lựa chọn sáng suốt của giới đầu tư.