15:32 15/02/2024

Ngành y tế khơi thông nguồn lực, tạo nền tảng phát triển

Hà Lê

Hơn ba năm, hàng trăm nghìn y, bác sĩ, nhân viên y tế với tinh thần kiên cường, đoàn kết đã ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19. Năm 2023 với tinh thần đó, ngành y tế đang khắc phục những yếu kém bộc lộ qua cuộc chiến chống dịch, khơi thông các nguồn lực tạo nền tảng phát triển.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trò chuyện với người bệnh đến thăm khám tại Trạm Y tế xã Mậu Đông và Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trò chuyện với người bệnh đến thăm khám tại Trạm Y tế xã Mậu Đông và Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Để nhìn nhận một cách khách quan những thay đổi của ngành y tế năm 2023, chúng ta cần nhìn lại những khó khăn của ngành năm trước đó. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2022, ngành Y tế đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, góp phần tạo ra sự ổn định và phát triển đất nước, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém bộc lộ qua đại dịch chưa được khắc phục.

Năm 2022, ngành y tế không những khó khăn mà vết thương đau nhất là nhiều cán bộ ở các cấp đã mắc khuyết điểm, trong đó người lãnh đạo cao nhất của ngành vướng vòng lao lý.

Bước vào năm 2023, ngành y tế đứng trước rất nhiều câu hỏi. Làm sao để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân? Làm sao phát huy được truyền thống “Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật” của ngành? Tại sao lại xuất hiện một làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công?. Tại sao dẫn đến đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiết bị y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế? Tại sao năng lực cung ứng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu…?

ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG CÂU HỎI KHÓ

Nhiều ý kiến chỉ ra chuyện đấu thấu, liên doanh, liên kết trong ngành y tế… còn nhiều vướng mắc, hạn chế do hệ thống văn bản pháp luật của ngành y tế chưa đầy đủ, rõ ràng. Do vậy, các quy định mua sắm, đấu thầu, liên doanh, liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công không phù hợp với thực tế.

Các quy định về thu hút các nguồn lực xã hội, mô hình đối tác công – tư trong lĩnh vực y tế, cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công chưa giúp các bệnh viện trở nên tốt hơn. Các vấn đề như tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn còn nhiều tranh cãi. Chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế, việc đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của ngành.

Các bác sĩ phẩu thuật cho bệnh nhi bằng phương pháp mổ nội soi một lỗ
Các bác sĩ phẩu thuật cho bệnh nhi bằng phương pháp mổ nội soi một lỗ

Về năng lực của hệ thống y tế, qua phân tích kinh tế y tế cho thấy y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa ổn định, nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế chưa đảm bảo. Chất lượng dịch vụ y tế giữa thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giữa dịch vụ công và dịch vụ tư đang còn khoảng cách khá lớn nên đã làm cho tình trạng quá tải ở các bệnh viên tuyến cuối thêm trầm trọng.

Về công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế: chưa bảo đảm tự chủ về nguyên liệu, thuốc chữa bệnh, trong khi nước ta có tiềm năng lớn về dược liệu; chưa phát huy tốt lợi thế của y học cổ truyền và một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.

Tóm lại, các khó khăn như: thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiết bị y tế, chất lượng dịch vụ thấp; nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt đều liên quan đến thể chế, chính sách, tổ chức và các quy định của pháp luật chứ không thuần túy về chuyên môn. Giải quyết việc này không phải ngày một, ngày hai, vì liên quan đến nhiều ban, ngành, nhiều nguyên nhân bên ngoài khác.

Để giúp ngành y tế tháo gỡ các hạn chế vướng mắc, tạo nền tảng cho bước phát triển mới, tháng 7/2022, Bộ Chính trị đã quyết định điều động bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh để giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây cũng là dấu mốc lịch sử mới của ngành y tế trong năm 2023.

Năm 2023, về chuyên môn, ngành y tế vẫn khá nổi với một số chuyên gia, bác sĩ có uy tín, trình độ, tay nghề cao trong các lĩnh vực y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực và quốc tế, như: phẫu thuật nội soi tuyến giáp, ghép tạng, can thiệp tim mạch, bấm huyệt, châm cứu…

Gần đây, ngày 5/12/2023, các bác sĩ Trung tâm Kỹ thuật cao, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ ở trẻ em, thành công này chỉ một số nước rất ít trên thế giới làm được. Ngoài ra, nhiều thành tựu tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ chăm sóc sức khỏe nhân dân như: công nghệ y tế phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ vật liệu mới… đã được các bệnh viện đưa vào ứng dụng.

TẬP TRUNG GỠ VƯỚNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Trong năm 2023, ngành y tế đã khống chế được các loại dịch bệnh, dù số ca tăng hơn so với năm 2022, như các bệnh: tay chân miệng, thủy đậu, tiêu chảy, sốt xuất huyết… Về dịch Covid-19, cúm và các dịch bệnh ngừa bằng vaccine, ngành y tế đã giám sát chặt chẽ và hiện đã ổn định.

Quan trọng nhất, năm 2023, ngành đã tập trung xử lý các vấn đề cấp bách hơn, như: dồn sức giải quyết những rào cản gây thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến các vấn đề y lý, y đức, y thuật…

Một ca phẫu thuật ghép tạng.
Một ca phẫu thuật ghép tạng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng xác định, năm 2023 ngành tập trung hoàn thiện thể chế, các dự án luật, văn bản dưới luật để tạo hành lang pháp lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành, như: hướng dẫn triển khai Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), đấu thầu thuốc, gói dịch vụ…; đặc biệt là đóng góp ý kiến vào Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản dưới Luật liên quan đến việc mua thuốc, thiết bị y tế, bảo hiểm y tế, dược.

Tuy các công việc đó không nằm ở bề nổi truyền thông, nhưng đó lại là những việc vừa cấp bách, quan trọng, giải quyết tình trạng khó khăn trước mắt, vừa khơi thông các nguồn lực và tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành y tế những năm tiếp sau.

Để giải quyết được tình trạng trước mắt cũng như phát triển lâu dài, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, do đó, Ngành y tế đã cụ thể hóa chiến lược xây dựng nền y tế cơ sở bằng việc tham mưu để Ban bí thư ra Chỉ thị 25/CT-TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, nhằm tạo cơ sở quan trọng để ngành y tế tiếp tục phát triển.

Mặc dù, chưa giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương nhưng kết quả rất tích cực. Đến tháng 10/2023, theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế, đã có tới 61,41% đơn vị đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh, 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ, có những đơn vị trước đây khó khăn nhưng hiện nay đã đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế cũng đã có cơ chế để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung với các bệnh hiếm gặp.

Một điều đặc biệt ấn tượng là việc cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số tại ngành Y tế đã tạo thuận lợi cho bệnh nhân: nhiều dịch vụ công của Bộ Y tế đã được cung cấp ở cấp độ 4; việc khám, chữa bệnh từ xa đã được Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội triển khai thực hiện rất hiệu quả. Về y tế dự phòng, y tế cơ sở đang được tạo nền tảng để trở thành người gác cổng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân như Chỉ thị 25/CT-TW của Ban Bí thư đã chỉ rõ.

Năm 2023, đạt được những thành quả nêu trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; đồng thời, nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả ở các cấp cơ quan, đơn vị trong ngành y tế.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành y tế khơi thông nguồn lực, tạo nền tảng phát triển - Ảnh 1