08:43 21/05/2021

Nghi ngờ tủ bếp, tủ nhà tắm Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để vào Mỹ

Viforest đề nghị thanh tra, kiểm tra đột xuất những công ty có lượng nhập khẩu sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm tăng đột biến thời gian gần đây...

Quý 1/2021, ngành gỗ có 10 dự án FDI đầu tư mới với tổng vốn đầu tư hơn 112 triệu USD...
Quý 1/2021, ngành gỗ có 10 dự án FDI đầu tư mới với tổng vốn đầu tư hơn 112 triệu USD...

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm gỗ rủi ro như tủ bếp, tủ nhà tắm từ Trung Quốc về Việt Nam…

Theo văn bản của Viforest, nhiều doanh nghiệp thành viên đã có ý kiến nghi ngờ một số doanh nghiệp nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm từ Trung Quốc về Việt Nam có dấu hiệu gian lận xuất xứ để xuất sang Hoa Kỳ…

 

Từ năm 2019 Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc.

Theo đó, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp cao với mức thuế từ 55% đến gần 200% đối với một số mặt hàng như gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ,… Do đó đã xuất hiện việc các doanh nghiệp Trung Quốc tìm hướng xuất khẩu vào Hoa Kỳ thông qua doanh nghiệp các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, từ cuối năm 2020 đến nay xuất hiện việc nhập khẩu các sản phẩm gỗ này từ Trung Quốc thông qua các Công ty ở Việt Nam thành lập mới hoặc mới hoạt động trong khoảng 1 đến 2 năm gần đây.

Đặc biệt, các sản phẩm bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm, gỗ dán sau khi nhập khẩu vào Việt Nam có dấu hiệu mua bán lòng vòng qua các nhiều công ty khác nhau rồi sau đó mới thực hiện gia công, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Viforest cho rằng, mặc dù việc này mới chỉ là nghi vấn, các thành viên của Viforest chưa kiểm chứng chính xác được, tuy nhiên hiện tượng giá trị nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc tăng mạnh trong thời gan gần đây cho thấy dấu hiệu gian dối trong nhập khẩu.

Viforest nhấn mạnh, hiện nay phía Hoa Kỳ đang tiến hành đang điều tra ngành mặt hàng gỗ dán lẩn tránh xuất xứ do đó đây là những mặt hàng có rủi ro cao khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Vì vậy, Viforest đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT thực hiện tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng này có giá trị tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây…

Trước đó, trong báo cáo “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành gỗ Việt Nam: Thực trạng 2020 và xu hướng phát triển” đã nêu rõ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành gỗ năm 2020 sụt giảm. Cụ thể năm 2020 ngành gỗ có 63 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư hơn 372 triệu USD, giảm 36% về số dự án và 49% về vốn đầu tư so với năm 2019.

Trong quý 1/2021, ngành gỗ có 10 dự án FDI đầu tư mới từ 6 quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 112 triệu USD, có 8 dự án đầu tư vào sản xuất mặt hàng giường, tủ bàn ghế.

Đáng chú ý, có tới 5 dự án đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn hơn 13 triệu USD.