15:50 09/09/2022

Nghỉ Tết sớm 1 – 2 ngày không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp

Phúc Minh

Việc cho người lao động nghỉ Tết sớm 1 – 2 ngày sẽ có lợi hơn, giảm áp lực về giao thông, còn với doanh nghiệp cũng không tác động nhiều đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 kéo dài 7 ngày hoặc 9 ngày. Trong hai phương án, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất dịp nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày để đảm bảo tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài và hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết.

Theo phương án này, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch năm 2023 từ thứ Sáu ngày 20/1/2023 Dương lịch đến hết thứ Năm ngày 26/1/2023 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão). Như vậy, dịp này người lao động sẽ được nghỉ 7 ngày (bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định của Bộ luật Lao động).

Tuy nhiên, mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại đưa ra phương án thứ 3 là đề xuất nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 8 ngày, từ thứ Năm ngày 19/1/2023 Dương lịch đến hết thứ Năm ngày 26/1/2023 Dương lịch (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão).

Người lao động sẽ đi làm vào thứ Sáu ngày 27/1/2023 (tức ngày mùng 6 tháng Chạp) và làm bù thêm vào thứ Bảy ngày 28/1/2023 Dương lịch (tức ngày mùng 7 tháng Chạp năm Quý Mão). Như vậy, tổng số ngày nghỉ Tết Âm lịch là 8 ngày.

Theo lý giải của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phương án nghỉ kéo dài 8 ngày là phù hợp, vừa để đáp ứng mong muốn của công nhân lao động là được nghỉ Tết sớm nhưng cũng là chia sẻ chung với Chính phủ, người sử dụng lao động trong bối cảnh đang trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế.

Đồng tình với phương án nghỉ Tết sớm hơn từ 28 tháng Chạp, ông Nguyễn Đức Sinh, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, lý giải nếu nghỉ sát Tết sẽ rất vất vả đối với người lao động, nhất là với những lao động xa quê. Ông Sinh cho rằng phương án cho người lao đọng nghỉ Tết sớm như đề xuất của tổ chức công đoàn là hợp lý, có lợi hơn cho người lao động. Việc nghỉ Tết sớm 1 - 2 ngày cũng không tác động nhiều đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Công đoàn Công ty  TNHH Matsuo Industries Việt Nam, thông tin rằng năm nay công ty dự kiến cho người lao động nghỉ Tết 10 ngày. Hiện doanh nghiệp này đã xây dựng lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 là nghỉ trước Tết 2 ngày và sau Tết 8 ngày, tức người lao động sẽ được nghỉ từ ngày 29 Tết, đi làm từ ngày mùng 9 Tết, làm bù 1 ngày vào thứ Bảy.

Theo ông Long, việc này là để đáp ứng mong muốn cũng như tâm lý nghỉ Tết sớm của công nhân lao động, và đã được lãnh đạo công ty đồng ý. Hiện nay tình hình tuyển dụng lao động ngày càng khó khăn nên việc doanh nghiệp đưa ra các chế độ, chính sách phù hợp cũng là để thu hút người lao động gắn bó lâu dài.

Trước đó, lý giải về việc đưa ra phương án nghỉ Tết kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết qua nắm bắt của tổ chức công đoàn thì chính các doanh nghiệp cũng muốn cho người lao động nghỉ Tết sớm.

“Nhiều chủ doanh nghiệp nói với chúng tôi rằng nếu không cho người lao động nghỉ sớm, không về Tết được thì họ cũng không yên tâm làm việc. Như vậy, có thể còn gây khó khăn cho doanh nghiệp hơn”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan đề xuất nên cân nhắc về phương án cho người lao động nghỉ trước Tết sớm hơn. Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), thời gian nghỉ trước Tết nên dài hơn ít nhất từ 2 – 3 ngày. Việc nghỉ trước Tết dài rất có ý nghĩa đối với người lao động xa quê sau một năm làm việc để có nhiều thời gian cho gia đình, đồng thời cũng là để giảm sức ép trong việc đi lại, tàu xe…