Nghị viện Hồng Kông hoãn thảo luận dự luật dẫn độ do sức ép biểu tình
“Chúng tôi sẽ không rời đi chừng nào họ chưa xóa dự luật dẫn độ”, một người biểu tình trẻ tuổi nói
Đối mặt với sức ép lớn từ hàng chục nghìn người biểu tình gây tê liệt khu vực trung tâm Hồng Kông ngày 12/6, nghị viện của vùng lãnh thổ này đã hoãn thảo luận dự luật gây tranh cãi cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục xét xử.
Theo tin từ Reuters, một biển người biểu tình đã bao vây trụ sở Hội đồng Lập pháp (LegCo), tức nghị viện Hồng Kông, trước khi dự kiến diễn ra vòng thảo luận thứ hai về đạo luật dẫn độ. Những người biểu tình, trong đó phần lớn là những người trẻ mặc trang phục đen, đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc chiếm khu vực này trong nhiều ngày - tương tự như những gì họ đã làm trong phòng trào biểu tình ủng hộ dân chủ hồi năm 2014.
Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để ngăn người biểu tình tiến lại gần hơn các tòa nhà chính quyền.
"Chẳng phải là vào lúc cuối của Phong trào Ô dù, chúng tôi đã nói là sẽ quay lại hay sao?" nghị sỹ ủng hộ dân chủ Claudio Mo nói, nhắc đến tên gọi của cuộc biểu tình 2014. "Giờ chúng tôi đã trở lại", bà Mo hô lớn trong tiếng reo hò ủng hộ của đám đông.
Những người biểu tình khác tiếp tục kêu gọi trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Carrie Lam, một người thân Trung Quốc đại lục, từ chức. 70 thành viên LegCo cũng đa phần là các nghị sỹ thân Bắc Kinh.
Chính quyền Hồng Kông tuyên bố việc thảo luận về dự luật dẫn độ sẽ được hoãn cho tới khi có thông báo tiếp theo.
"Chúng tôi sẽ không rời đi chừng nào họ chưa xóa dự luật này", một người biểu tình trẻ tuổi nói. "Bà Carrie Lam đã đánh giá thấp về chúng tôi. Chúng tôi sẽ không để cho bà ấy muốn làm gì thì làm".
Chính phủ Trung Quốc đại lục tuyên bố dành sự ủng hộ vững chắc cho chính quyền Hồng Kông về dự luật dẫn độ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói rằng bất kỳ hành động nào gây phương hại cho Hồng Kông cũng bị phản đối bởi dư luận chính thống của Hồng Kông. Ông Geng cũng kêu gọi Mỹ có những phát ngôn và hành động thận trọng về Hồng Kông.
Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần này nói rằng "các thế lực bên ngoài" đang cố tình kích động bất ổn ở Hồng Kông để gây hại cho Trung Quốc.
Nhiều người biểu tình - đa phần là những người nghỉ học hoặc nghỉ làm để xuống đường - phớt lờ lời kêu gọi rút lui của cảnh sát. Họ chuyền tay nhau hàng tiếp tế, bao gồm thuốc men, kính chống hơi cay, nước và đồ ăn.
Cuộc biểu tình này diễn ra chỉ ba ngày sau cuộc biểu tình vào cuối tuần trước. Hôm Chủ nhật, các nhà tổ chức biểu tình nói đã có tới hơn 1 triệu người Hồng Kông xuống đường phản đối dự luật dẫn độ.
Phong trào biểu tình đang diễn ra đẩy Hồng Kông vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới, tương tự như phong trào hồi năm 2014, đặt ra thách thức lớn đối với bà Lam và các chính trị gia Hồng Kông thân Trung Quốc khác.
Phong trào hồi năm 2014 đã không đạt được sự nhượng bộ dân chủ nào từ Bắc Kinh, mà còn khiến ít nhất 100 người biểu tình trẻ bị đưa ra truy tố trước pháp luật. Điều này khiến hoạt động biểu tình ở Hồng Kông bị lắng xuống mấy năm qua. Nhưng điều này đã thay đổi vào ngày Chủ nhật vừa rồi.