14:18 04/05/2023

Nghiên cứu gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm, thủy sản

Chu Khôi

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản...

Cần tạo mọi thuận lợi cho các ngành thủy sản và lâm nghiệp phát triển.
Cần tạo mọi thuận lợi cho các ngành thủy sản và lâm nghiệp phát triển.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.

Thông báo nêu rõ, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản lập kỷ lục 17,1 tỷ USD. Ngành thủy sản cũng đã có những bứt phá vượt bậc, giá trị xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2023, cùng với khó khăn chung của các ngành, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thuỷ sản đều giảm nhiều so với cùng kỳ (giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%). 

NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH, TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG

Tại Thông báo, Thủ tướng yêu cầu cần quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, thuế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực thuỷ sản và lâm sản.

 

“Nâng cao năng lực cạnh tranh, tự lực, tự cường, tự chủ của các doanh nghiệp. Sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cùng với nhóm ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam, tuân thủ quy định, thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đa phương và song phương và cam kết quốc tế. 

Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải đẩy mạnh phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa, quyết liệt tháo gỡ thẻ vàng IUU của EC, chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam, coi đây là chìa khoá bảo vệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản bền vững".

Cùng với đó là phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của từng doanh nghiệp và vai trò của các Hiệp hội. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, gắn kết hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành trước những cơ hội và thách thức mới. Cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong ngành lâm sản, thủy sản, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và phát triển bền vững

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền, tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ có hiệu quả cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp quyết liệt thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.

Thủ tướng nêu quan điểm: "Nhiệm vụ, giải pháp chung là tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh".

HỖ TRỢ LÂM SẢN, THỦY SẢN CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG LỚN, THỊ TRƯỜNG MỚI NỔI

Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; hỗ trợ các hiệp hội tổ chức hiệu quả các hội chợ triển lãm về đồ gỗ, thuỷ sản, thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường mới nổi, nhất là thị trường ngách.

Đồng thời, triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. 

 

"Đẩy mạnh phát triển nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp; các chương trình, đề án về "Giống", "Thức ăn nuôi trồng thủy sản" và "Hormone HCG" là mấu chốt gia tăng tỷ lệ sống, chất lượng phát triển và giảm giá thành sản phẩm…"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Cần khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, trại nuôi trồng thủy sản, đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản; đẩy mạnh hợp tác công tư trong sản xuất, chế biến và kinh doanh đối với lĩnh vực lâm sản và thuỷ sản.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của EC, tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có chính sách phát triển thủy sản, quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thủy sản.

MIỄN, GIẢM, GIÃN, HOÃN THUẾ

Thủ tưởng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023 (trong đó nghiên cứu kiến nghị của 02 Hiệp hội về giảm thuế giá trị gia tăng). Vận dụng chính sách tài khóa mở rộng linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ Công Thương tập trung công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác tiềm năng; đấu tranh bảo vệ thương hiệu, các mặt hàng xuất nhập khẩu trên thị trường quốc tế khi xảy ra tranh chấp thương mại.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối kế hoạch vốn trung hạn để ưu tiên thực hiện các chính sách đầu tư về hạ tầng theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phù hợp; phát triển các dịch vụ logistic, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo trong ngành lâm sản và thuỷ sản.

Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan, bảo đảm khả thi, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với quốc tế, nhất là chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến thuỷ sản và lâm sản; khẩn trương đề xuất cơ chế sử dụng Quỹ khoa học công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học phát triển ngành nông nghiệp, nhất là đối với 2 lĩnh vực thuỷ sản và lâm sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu các chính sách về đất đai đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển theo hướng sản xuất chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn, nhất là đối với các quy hoạch về đất đai; quy định về giao đất, giao rừng, giao mặt nước, giao mặt biển...

 

"Ngân hàng phải hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông - ngư dân".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đồng thời, xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện, năng lực ngành thuỷ sản và tiệm cận quy định của quốc tế.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi; nghiên cứu. Thủ tướng cũng yêu cần Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023.