Nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và điều kiện kinh tế - xã hội...
Một trong những nhiệm vụ trong năm 2025 được Bộ Y tế đề cập trong báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025. Hội nghị được tổ chức sáng 24/12 tại Hà Nội. Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự hội nghị.
KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ SẮP XẾP BỘ MÁY
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cho biết năm 2024, ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, trong đó vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân, đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu lớn của ngành, lĩnh vực năm 2024 được Chính phủ giao.
Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm; giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế; cải cách hành chính; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc triển khai các chương trình, dự án...
Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và tập trung hoàn thiện. Đặc biệt, trong năm 2024, lần đầu tiên Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 Luật trong một kỳ họp, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, năm 2024, các dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục được kiểm soát, Bộ tập trung cùng với chính quyền địa phương bảo đảm công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh; phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành, các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm ngày càng được chú trọng, quan tâm; nhiều hoạt động cộng đồng về dự phòng, vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng, rèn luyện thể lực được tăng cường.
Chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Bộ Y tế chỉ đạo, quán triệt quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của người bệnh.
Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được củng cố và phát triển. Năm 2024 cũng ghi nhận nhiều bệnh viện đạt được các giải thưởng uy tín về đánh giá chất lượng bệnh viện của trong và ngoài nước. Triển khai áp dụng thành công các kỹ thuật cao trong khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là ghép tạng, ghép đa tạng; thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục chuyển biến tích cực.
Bộ cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về công tác dân số; trọng tâm là Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh…, góp phần kéo dài và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số.
Cơ cấu tổ chức bộ máy tiếp tục hoàn thiện; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển y tế cơ sở theo nội dung Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Trung ương, Đề án sắp xếp các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.
“Hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong công tác tiếp nhận các nhiệm vụ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Bộ Y tế cũng tập trung giải quyết các vướng mắc, triển khai các dự án xây dựng các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân; tập trung công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế.
THỰC HIỆN GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ THEO HƯỚNG TÍNH ĐÚNG, TÍNH ĐỦ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận ngành Y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trên thực tiễn cần được khắc phục.
Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2025 cũng như những năm tới đối với ngành Y tế là rất nặng nề, đặc biệt năm 2025 cũng kỷ niệm 70 năm Bác Hồ gửi thư cho ngành Y tế.
Một trong những khó khăn được Bộ Y tế đề cập trong báo cáo tổng kết công tác năm 2024 phải kể đến là ngân sách Nhà nước cho y tế và bảo hiểm y tế có tăng, nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn thấp.
Nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nâng cấp và mở rộng quy mô khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Cơ chế tài chính y tế, phương thức chi trả dịch vụ y tế còn chậm đổi mới.
Đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa bảo đảm. Phân bổ tài chính y tế chưa khuyến khích hiệu quả hoạt động. Việc thực hiện các quy định về cơ chế giá thị trường; thực hiện cơ chế tự chủ của một số bệnh viện gặp nhiều khó khăn.
Do đó, trong năm 2025, Bộ Y tế sẽ tập trung phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2025 theo đúng thời gian quy định; tổ chức điều hành hiệu quả dự toán ngân sách năm 2025.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Xây dựng giá dịch vụ y tế dự phòng; thực hiện giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Từ đó, đảm bảo vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành mới các văn bản tháo gỡ các vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Rà soát, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, và cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện.
Đặc biệt, Bộ sẽ nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, và điều kiện kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện phương thức chi trả theo định suất, trọn gói theo trường hợp bệnh một cách phù hợp. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế về thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, yêu cầu chuyên môn trong khám chữa bệnh tại các tuyến, chú trọng tuyến y tế cơ sở, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường công tác quản lý Nhà nước, giải quyết vướng mắc, bất cập phát sinh trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.