17:53 18/05/2018

Ngoài phạt tiền, Grab phải chia tách doanh nghiệp sau khi mua Uber?

KIỀU LINH

Ngoài phạt tiền, Grab có thể bị yêu cầu chia tách doanh nghiệp đã sáp nhập, buộc phải bán lại phần doanh nghiệp đã mua

Thị phần kết hợp của Grab và Uber vượt ngưỡng 50%.
Thị phần kết hợp của Grab và Uber vượt ngưỡng 50%.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) mới đây đã công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ việc Công ty TNHH GrabTaxi mua lại hoạt động của Công ty TNHH Uber Việt Nam tại thị trường Việt Nam. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. 

Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương 2 Luật cạnh tranh 2004. 

Uber và Grab bị phạt 10% tổng doanh thu

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, ngưỡng 50% thị phần trên được xác định theo doanh thu của Uber và Grab trên thị trường Việt Nam. Trong trường hợp này, Uber và Grab có thể bị xem xét xử phạt 10% tổng doanh thu của năm 2017.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thị phần thì sẽ cấp tập trung kinh tế.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cho rằng, nếu chiểu theo Luật Cạnh tranh thì Grab không được phép mua lại Uber của Việt Nam. Do đó, dù đã hoàn tất thương vụ, Grab buộc phải hủy hợp đồng, hoàn trả lại cho Uber. Vụ việc này tương tự như MobiFone hủy hợp đồng mua AVG hay như công ty Tân Thuận bán đất cho Quốc Cường Gia Lai.

"Tuy nhiên, Uber hiện nay không còn ở Việt Nam thì khó ép họ trở về tình trạng ban đầu. Nếu họ không làm thì cũng chẳng thể o ép họ. Điều này vô tình tạo ra bế tắc, luẩn quẩn", Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Bên cạnh đó, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Bộ Công Thương cần phải làm rõ doanh thu trên được tính theo doanh thu cho cả thị trường taxi hay riêng thị trường gọi xe bằng công nghệ. Trong phần doanh thu gọi xe bằng công nghệ của Grab thì cần phải tách bạch giữa phần Uber và Grab được hưởng và phần doanh thu các doanh nghiệp taxi khác được hưởng thông qua ứng dụng gọi taxi của Grab. 

Có thể buộc Grab chia tách doanh nghiệp

Chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cũng sẽ có những trường hợp được miễn trừ chẳng hạn như một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản. Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ. 

Trong trường hợp này, Uber và Grab buộc phải chứng minh với cơ quan chức năng rơi vào trường hợp miễn trừ để được sáp nhập. Tuy nhiên, việc chứng minh này tương đối khó. 

Ông Đức nhấn mạnh, ngoài phạt tiền 10% tổng doanh thu của cả Uber và Grab, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà Grab có thể bị yêu cầu chia tách doanh nghiệp đã sáp nhập, buộc phải bán lại phần doanh nghiệp đã mua. 

Trên thế giới, những trường hợp như vây xảy ra không hiếm. Nhiều doanh nghiệp sau khi hoàn tất mua bán, sáp nhập đã phải chia tách thành các công ty hoạt động độc lập với nhau. Điển hình như ở Mỹ, một hãng viễn thông nổi tiếng từng bị cơ quan cạnh tranh yêu cầu tách thành 4 hãng khác nhau để đảm bảo không vi phạm về cạnh tranh kinh tế.  

"Tuy nhiên, biện pháp chia tách này ở Việt Nam còn mới, rất khó để áp dụng. Việt Nam cũng chưa từng có tiền lệ bắt buộc doanh nghiệp phải chia tách sau khi sáp nhập. Do đó, hình phạt 10% doanh thu cho Grab cũng đã đủ chặt chẽ. Tôi cho rằng, vụ việc không chỉ dừng lại ở Cục Quản lý cạnh tranh mà có thể được đẩy lên Hội đồng cạnh tranh quốc gia. Và việc tiến hành xử lý thế nào tùy theo cơ quan này quyết định", ông Đức nói.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho rằng, việc hai hãng sáp nhập không phải là vấn đề gây phương hại đến xã hội ngay lập tức. Khi sai về mặt thủ tục, sáp nhập không thông báo tới cơ quan chức năng sẽ bị phạt tiền. 

Trong trường hợp sau khi sáp nhập rồi, Grab tiếp tục lạm dụng vị trí độc quyền để thu lợi bất chính như nâng giá, chèn ép không cho các đối thủ khác gia nhập thị trường… thì doanh nghiệp này sẽ lại trở thành đối tượng vi phạm cạnh tranh và tiếp tục bị xử phạt thêm 10% doanh thu của năm trước đó. Đây là một con số rất lớn so với doanh nghiệp. 

Còn nếu sáp nhập xong mà Grab hoạt động không chèn ép đối thủ, không tăng giá gây bất lợi cho người dùng thì họ vẫn hoạt động bình thường.

Về phía Grab, dù đã liên hệ nhiều lần nhưng đơn vị này vẫn chọn cách im lặng trước thông tin mà Bộ Công Thương công bố.