12:46 08/05/2009

Ngừng "tạm trú" thịt lợn ngoại

Chu Khôi

Lượng thịt lợn ngoại tồn ở các cảng Việt Nam dưới hình thức "tạm nhập, tái xuất" tăng lên đột biến trong thời gian gần đây

Ở Việt Nam, đàn lợn chưa từng bị nhiễm virus cúm A/H1N1.
Ở Việt Nam, đàn lợn chưa từng bị nhiễm virus cúm A/H1N1.
Do lo ngại dịch cúm A/H1N1 nên đã có gần 20 nước cấm nhập thịt lợn từ Mỹ, Mexico và Canada. Bởi vậy, một khối lượng lớn thịt lợn từ châu Mỹ đáng lẽ phải đến các nước ở khu vực châu á, nhưng họ đã “mượn” Việt Nam làm nơi để tạm dừng chân, gây nên cảnh ùn ứ tại cảng Hải Phòng.

Nếu như cách đây một tuần, Tổ chức Thú y thế giới (OIE), còn tuyên bố rằng chưa tìm thấy chủng mới Vi rút cúm A (H1N1) trên lợn, nên chăn nuôi lợn và sản phẩm thịt lợn an toàn đối với dịch bệnh này. Thì giờ đây, khi những thông tin về vi rút cúm chủng mới cúm A (H1N1) lây lan sang lợn ở Canada được công bố, đã khiến nhiều nước cảnh giác hơn đối với sản phẩm thịt lợn ở Bắc Mỹ.

Lo ngại gia tăng

Ngày 5/5/2009, OIE đã có báo cáo chính thức về ổ dịch cúm lợn tại Canada. Theo đó, số lợn bệnh là 450 con trong tổng đàn lợn của trang trại là 2020 con. Lấy mẫu bệnh phẩm, giải trình tự phân tích gien cho thấy, chuỗi gen của Vi rút gây bệnh trên đàn lợn này giống hệt với chuỗi gien của vi rút cúm mới A/H1N1 được phát hiện và đang gây bệnh tại Mexico và Mỹ. OIE đã đưa ra biện pháp kiểm soát chặt chẽ đàn lợn, không điều trị, không tiêm phòng vắc xin và không giết mổ hay tiêu hủy, nhằm tiếp tục theo dõi và nghiên cứu cơ chế sinh bệnh.

Ngay từ cuối tháng 4/2009, một số nước đã ngừng nhập khẩu thịt lợn từ Mexico, Mỹ, Canada. Khi có những thông tin về vi rút chủng mới cúm A/H1N1 xuất hiện trên lợn ở Canada, nhiều nước càng “cảnh giác” với thịt lợn, bởi vậy hiện tại đã có gần 20 nước ngừng nhập khẩu thịt lợn từ Bắc Mỹ.

Tại Việt Nam, vẫn chưa có chủ trương ngừng nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ, Canada (chúng ta chưa từng nhập khẩu thịt từ Mexico). Việt Nam có lý do chính đáng để tự tin với thịt lợn nhập khẩu: nước ta chưa từng xuất hiện cúm lợn kể cả thể cổ điển và thể mới phát sinh. Mặt khác, Cục Thú y đã cử cán bộ đến từng cửa khẩu, sân bay, bến cảng... để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, mọi lô thịt nhập vào nước ta phải bắt buộc phải lấy mẫu kiểm tra. Bởi vậy, sẽ yên tâm tự tin rằng thịt lợn mang mầm bệnh sẽ rất khó lọt vào nước ta.

Nhiều nước ở châu á không cho đưa thịt lợn từ Bắc Mỹ vào nước họ, trong khi một khối lượng lớn thịt lợn đã được các doanh nghiệp nước ngoài ký kết mua và nhận hàng từ Bắc Mỹ. Nhận thấy chỉ Việt Nam là chưa cấm đưa thịt lợn ngoại về, bởi vậy các doanh nghiệp nhập khẩu thịt ở nhiều nước đã liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam để đưa hàng vào “tạm trú” tại các cảng Việt  Nam dưới hình thức “tạm nhập, tái xuất”. Đây chính là nguyên nhân khiến lượng thịt lợn ngoại tồn ở các cảng Việt Nam tăng lên đột biến trong thời gian gần đây.

Dừng " tạm nhập, tái xuất"

Ông Vũ Quang Vinh, Vụ trưởng Vụ Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan cho biết, đến ngày 6/5/2009, tại Hải Phòng vẫn còn gần 2.000 container hàng đông lạnh thực phẩm “tạm nhập tái xuất” bị ứ đọng, trong đó cảng Đình Vũ có hơn 300 container, cảng Chùa Vẽ có gần 1000 container... Hầu hết các cảng của Hải Phòng đều quá tải nên doanh nghiệp phải thuê thêm kho bãi ngoài cảng để chứa hàng. Do quá tải, nên từ ngày 5/5/2009, cảng Chùa Vẽ không tiếp nhận hàng thực phẩm đông lạnh từ nước ngoài về nữa.

Sản phẩm trong các container hàng đông lạnh chủ yếu là thịt lợn, nội tạng động vật. Số hàng này chủ yếu được các doanh nghiệp tạm nhập về để xuất sang Trung Quốc theo các hợp đồng với doanh nghiệp nước bạn. Tuy nhiên, do Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu hàng thịt đông lạnh, nội tạng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch cúm A/H1N1 hiện nay, khiến lượng hàng tạm nhập về Việt Nam dù đã cả tuần, có lô đã “nằm lỳ” cả tháng vẫn không xuất đi được.

Nếu phía Trung Quốc kiên quyết không cho nhập hàng, số hàng trên buộc phải tiêu hủy hoặc trả lại nước xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện giao dịch theo phương thức “mua đứt, bán đoạn” nên đã thanh toán đơn hàng. Nếu phía Trung Quốc không nhập thì cũng không có cách nào để xuất trả lại nước xuất khẩu mà buộc phải tiêu hủy và chịu thiệt hại các đơn hàng này.

Theo ngành Hải quan, cái khó nhất hiện nay là vấn đề lưu kho, lưu bãi, nhất là nguồn điện rất tốn kém vì chạy để bảo quản lạnh, các container phải sử dụng nguồn điện công suất lớn chứ không phải thông thường. Ông Vũ Quang Vinh cho biết, để hạn chế tình trạng ách tắc gia tăng trong bối cảnh hiện nay, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng ngay việc ký hợp đồng làm dịch vụ “tạm nhập tái xuất” mặt hàng thịt lợn với các đối tác nước ngoài.

Thời gian trước đây, các lô thịt nhập khẩu về Việt Nam nếu chưa xuất trình đầy đủ giấy tờ, thì vẫn được nhập, lưu ở các kho chờ đến khi có đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì mới được bán lô hàng này ra thị trường. Trong điểm thời điểm hiện nay, Các doanh nghiệp Trung Quốc vì đã trót nhận hàng từ Bắc Mỹ nhưng không thể đưa về nước họ, nên sẵn sàng bán lại cho doanh nghiệp Việt Nam với giá rẻ.

Bởi vậy, không ít doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với đối tác nước người, tạm nhập thịt lợn vào cảng của Việt Nam rồi với hy vọng “chạy” được các giấy tờ để đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Tuy nhiên, do Cục Thú y và Hải quan kiểm soát rất chặt chẽ đối với thịt lợn nhập khẩu, nên việc chuyển đổi mục đích từ hàng “tạm nhập tái xuất” để chuyển sang nhập khẩu vào Việt Nam là hoàn toàn không thể. Trong trường hợp bất khả kháng, nếu trường hợp chủ hàng (phía nước ngoài) “bỏ của chạy lấy người”, thì sẽ lại gây áp lực đối với doanh nghiệp và Hải quan nước ta trong công tác xử lý, tiêu huỷ số lượng hàng rất lớn trên.

Cũng theo ông Vinh, “trước mắt, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan các tỉnh tìm cách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tìm cách giải tỏa lô hàng tồn kho bằng cách xuất đi nước ngoài. Chúng tôi đã yêu cầu hải quan các địa phương chậm nhất đến ngày 7/5 phải có báo cáo bằng văn bản thống kê về số lượng các container tồn kho, rồi sau đó sẽ đưa ra giải pháp xử lý triệt để”.

Chiều 7/5, thông tin từ một số cảng có chứa các container hàng thực phẩm đông lạnh nói trên, các container hàng bắt đầu được giải phóng khỏi cảng. Chỉ riêng Chi cục Hải quan khu vực 3 (Cục Hải quan Hải Phòng) trong ngày 6.5 đã làm thủ tục xuất 60 container, giảm số container tồn đọng tại khu vực này xuống còn hơn 500.