18:16 01/07/2022

Người đã mắc biến thể BA.1, BA.2 vẫn có thể nhiễm BA.5

Phúc Minh

Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5...

Các chuyên gia tham dự tọa đàm. Ảnh - VGP.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm. Ảnh - VGP.

Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19 trong bối cảnh hiện nay?” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 1/7.

BIẾN THỂ BA.4, BA.5 CÓ THỂ THOÁT MIỄN DỊCH

Thông tin về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 , GS TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới thì biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Từ dự báo đối với SARS-CoV-2 là bản chất của nó có sự tiến hóa khôn lường và nếu trong phạm vi đột biến vừa phải, nó trở thành biến thể mới, thậm chí có thể biến thể nhiều hơn nữa, có thể trở thành biến chủng. Có nghĩa là SARS-CoV-3, 4 có thể xuất hiện.

Tuy nhiên, đối với kịch bản hiện nay trên sự tiến hóa như vậy, ông Lân cho rằng, nếu vẫn như các biến thể phụ thì còn có khả năng đáp ứng của vaccine.

Thứ hai là nếu không phải nặng thì dù có lây lan nhanh hơn nhưng chúng ta liên tục tiêm những vaccine theo chỉ định thì vẫn đáp ứng được như kịch bản hiện nay. Có nghĩa là vẫn mở cửa, vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ có khi cần thiết, chúng ta tăng thêm điều trị nếu có sự hơi quá tải.

Ngược lại, vẫn phải chuẩn bị cả những tình huống xấu nhất trong dự báo. "Đấy là những chủng biến thể mới không còn hiệu quả đối với vaccine. Thứ hai là lây lan nhanh và thứ ba là nặng, thậm trí nó kết hợp tất cả. Như vậy, bên cạnh các biện pháp và kinh nghiệm trong thời gian qua, thì biện pháp hành chính xã hội có thể cũng phải thiết lập để vì sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết", GS TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Theo ông Lân, tuy vậy, vaccine vẫn là một yếu tố rất quan trọng. Việc tiêm mũi 3, mũi 4 củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Nếu có nhiễm đi nữa thì cũng sẽ nhẹ hơn.

Bên cạnh đó, đặc thù của vaccine SARS-Cov-2 khi chậm lại, miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian, sau 4 đến 6 tháng. Vì vậy, cần tiêm nhắc lại định kỳ để duy trì miễn dịch. "Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để chúng ta phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định.

VACCINE VẪN CÓ HIỆU QUẢ BẢO VỆ VỚI BIẾN CHỦNG MỚI

Trước những ý kiến còn băn khoăn về tác dụng phụ khi tiêm mũi 3, mũi 4, GS TS Phan Trọng Lân cũng cho biết, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu, đặc biệt là các nước phát triển, qua đó thấy rằng trong 4 mũi tiêm thì tiêm mũi 3, mũi 4 có ý nghĩa nhắc lại lần 1, lần 2 nên ở giữa mức phản ứng của mũi 1, mũi 2.

Ví dụ như vaccine Pfize thì tiêm mũi 2 phản ứng hơn mũi 1 còn mũi 3, mũi 4 ít phản ứng hơn mũi 2. “Do đó, những người đi tiêm yên tâm và cứ sống vui vẻ, ăn thức ăn có miễn dịch là chúng ta yên tâm. Tôi phải nói rằng, không phải chỉ bây giờ mà kể cả những biến thể tương lai nếu có thì tiêm vaccine sẽ giúp giảm nhẹ rất nhiều”, GS TS Phan Trọng Lân nói. 

TS Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam thừa nhận, luôn có tác dụng phụ khi tiêm vaccine, vaccine nào cũng thế. Tuy nhiên hầu hết tác dụng phụ là nhẹ và những biến cố bất lợi rất hiếm, cực kỳ hiếm.

Nhưng kể cả có những biến cố, tác dụng phụ như thế, chúng ta vẫn thấy lợi ích cao hơn rủi ro và chúng ta có các dữ liệu bằng chứng cho thấy vaccine Covid-19 sử dụng trên toàn thế giới là rất an toàn. Tất nhiên cũng có rất hiếm các trường hợp biến cố nặng nhưng nhìn chung là lợi ích cao hơn rủi ro rất nhiều.

Đối với mũi 3, mũi 4, khi thực hiện tiêm vaccine, chúng ta đều có các hệ thống toàn quốc phát hiện biến cố bất lợi, các tác dụng phụ. "Việc có biến cố bất lợi của vaccine không phải là rào cản hay chỉ số để chúng ta không sử dụng vaccine", TS Socorro Escalante nêu ý kiến. 

Theo bà, lý do thứ hai là đại dịch chưa kết thúc. Một khi còn chủng virus lưu hành, chúng ta vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng. Sau 4 đến 6 tháng, tiêm vaccine là cơ hội giúp cho cộng đồng được bảo vệ. Một khi còn vaccine thì phải tiêm phòng để bảo vệ cho công chúng. 

Đối với biến chủng mới, TS. Socorro Escalante cho biết, vaccine hiện tại Việt Nam đang sử dụng cũng có hiệu quả đối với các biến chủng BA.4 và BA.5. “Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5", TS Socorro Escalante thông tin.