07:30 30/04/2010

Người Đức tranh cãi về chi phí cứu trợ Hy Lạp

Dương Lâm

So với số tiền 100 tỷ Euro mà Đức bỏ ra cứu ngân hàng HRE, thì gói cứu trợ Hy Lạp vẫn còn quá nhỏ

Thị trường đã phản ứng thái quá đối với nợ công của Hy Lạp - Ảnh: AP.
Thị trường đã phản ứng thái quá đối với nợ công của Hy Lạp - Ảnh: AP.
Các thị trường tài chính đang phản ứng thái quá với cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, còn gói cứu trợ mà Liên minh Châu Âu (EU) dành cho quốc gia này ít hơn nhiều so với số tiền Đức đã bỏ ra cứu ngân hàng Hypo Real Estate, một nhà kinh tế học hàng đầu của Đức phát biểu hôm 29/4.

“Các thị trường hiện đang nhìn nhận một chiều đối với các vấn đề”, cựu chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Trung ương Đức, Norbert Walter, phát biểu trong cuộc phỏng vấn của tờ Austrian daily Der Standard.

Cách nhìn nhận này đã làm trầm trọng thêm những khó khăn tài chính ở Hy Lạp, vốn có nguyên nhân sâu xa là từ những hoạt động đầu cơ trên thị trường. Và “Hy Lạp đang phải giơ đầu chịu báng” cho vấn đề này, ông Walter nhận định.

“Vụ ngân hàng Hypo Real Estate đã tiêu tốn của Đức hơn 100 tỷ Euro (132 tỷ USD). Do vậy, gói cứu trợ dành cho Hy Lạp thực tế ít hơn nhiều so với những gì chúng ta đã từng nếm trải”, ông cho biết thêm.

Ngân hàng Hypo Real Estate (HRE) phá sản hồi cuối năm 2008. Đây là ngân hàng cho vay bất động sản thương mại lớn thứ hai ở Đức và là "nạn nhân" đầu tiên ở quốc gia này do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ. Để bảo đảm sự sống còn của HRE, Chính phủ Đức đã chi hơn 100 tỷ euro cứu trợ và bảo lãnh cho HRE, nhưng ngân hàng này vẫn không thoát ra được khỏi tình trạng khốn đốn.

Trong khi đó, theo kế hoạch được thông qua tại Brussels (Bỉ) hôm 11/4, Hy Lạp sẽ được EU cho vay 30 tỷ Euro (khoảng 40 tỷ USD) trong thời hạn 1 năm với lãi suất 5%. Ngoài ra, Hy Lạp còn nhận được thêm khoản vay trị giá khoảng 10 tỷ Euro từ IMF.

Cũng liên quan đến vấn đề Hy Lạp, hôm 28/4, Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Dominique Strauss-Kahn, đã lên tiếng cảnh báo, cuộc khủng khoảng tại quốc gia này có thể lan rộng ra khắp châu Âu.

Ông Strauss-Kahn cho rằng, cứ thêm một ngày chưa giải quyết mối nguy của Hy Lạp thì mức ảnh hưởng lại lan rộng thêm một bậc.

Theo hãng tin BBC, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đã nói trong cuộc gặp với ông Strauss-Kahn rằng, các cuộc thương thuyết với Chính phủ Hy Lạp, Liên minh châu Âu và IMF cần được đẩy nhanh.

Cùng ngày, bà Merkel đã chia sẻ quan điểm với Tổng thống Mỹ Barak Obama về sự cần thiết phải "hành động đúng lúc" để giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ.

Tuy nhiên, tại Đức, vẫn có không ít người phản đối kế hoạch cứu trợ Hy Lạp. Nhóm phản đối cho rằng, tổng số tiền cứu trợ Hy Lạp có thể phải lên tới 120 tỷ Euro trong vòng 3 năm tới. Phát biểu sau cuộc gặp ông Strauss-Kahn hôm 28/4, lãnh đạo đảng Xanh ở Đức, Juergen Trittin, nói rằng gói cứu trợ có thể phải mất “từ 100 tới 120 tỷ Euro”.