15:26 23/04/2008

Người Mỹ buộc bụng, người Việt gặp khó

Suy thoái kinh tế kéo dài đã làm cho nhiều người Mỹ đóng cửa và thắt chặt hầu bao của mình

Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ Mike Leavitt (thứ hai từ phải sang) thăm cảng Sài Gòn ngày 17/4 nhằm xem xét chất lượng thực phẩm Việt Nam xuất sang Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ Mike Leavitt (thứ hai từ phải sang) thăm cảng Sài Gòn ngày 17/4 nhằm xem xét chất lượng thực phẩm Việt Nam xuất sang Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ Mike Leavitt vừa tới Việt Nam, ra cảng Sài Gòn để thị sát tình hình xuất nhập khẩu, mở diễn đàn gặp gỡ doanh nghiệp và ở miền Tây ông còn bắt một con cá trong hồ nuôi lên để xem xét.

Sự quan tâm đó chứng tỏ người tiêu dùng Mỹ quan tâm hơn đến hàng hoá Việt Nam...

Nước Mỹ, nơi được định danh là xứ sở của tiêu dùng, nơi người ta có thể chấp nhận vay nợ ngân hàng cho đến cuối đời chỉ để thoả mãn khát vọng mua sắm, giờ không còn như xưa nữa. Suy thoái kinh tế kéo dài đã làm cho nhiều người Mỹ đóng cửa và thắt chặt hầu bao của mình.

Người Mỹ giảm chi tiêu


“Giá cả thực phẩm gia tăng đã khiến các gia đình thay đổi tập quán ăn uống và mua thực phẩm. Đương đầu với lạm phát thực phẩm chưa thấy từ gần 20 năm nay, các gia đình đã ăn ở nhà nhiều hơn và cắt giảm đi ăn ở nhà hàng. Họ bớt mua những thực phẩm xa xỉ. Họ mua những hàng không có nhãn hiệu nổi tiếng, và không để thức ăn dư thừa”.

Đó là kết quả khảo sát trên diện rộng của hãng thông tấn lớn nhất nước Mỹ AP. Các bình luận viên của đài này kể lại một trường hợp cụ thể: “Peggy và David Valdez tại Houston với bốn đứa con đã tham khảo kỹ lưỡng những giá thực phẩm nào rẻ nhất trên các báo quảng cáo. Họ cũng bớt đi để tiết kiệm tiền xăng, và khi đi thì cũng mua ít đi”.

USA Today cũng công bố một khảo sát tương tự của mình, cho rằng tháng tư này có lẽ là tháng tệ hại nhất cho các hãng bán hàng hoá lẻ. J.C. Penney tuần vừa qua đã cắt đi 1/3 số lợi nhuận tiên đoán cho quý đầu tiên trong năm. Dân chúng vẫn phải mua thực phẩm, xăng và khí đốt, nhưng một cái áo mới, ví mới thì người tiêu dùng có thể bỏ qua.

Những cửa hàng, siêu thị loại cao cấp đã ngày càng ế ẩm vì người ta bắt đầu chuyển sang những nhà phân phối giá rẻ. Patricia Edward chuyên gia về hàng tiêu thụ tại Wentworth Hauser abd Violich nói: “Những tiệm bán các món hàng cho giới trung lưu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất”.

Ngay cả những tiệm với các mặt hàng thượng lưu như Nordstrom và Neiman Marcus cũng thấy hàng bán bị sụt giảm.

Người Việt khó xuất khẩu

Anh Bảo Anh, trưởng trung tâm công nghệ phẩm thuộc Công ty Cổ phần Thiên Nam vừa trở về sau một thời gian dài “lăn lê bò toài” ở nhiều vùng đất khác nhau trên đất Mỹ để tìm lời giải cho bài toán xuất hàng sang Mỹ.

“Cơ hội thì nhiều lắm, nhưng nó lại rất khác với những gì mình vẫn thường suy nghĩ về thị trường này. Người Mỹ kỹ tính, nhưng lại chuộng một số hàng hoá theo đúng gu của mình chứ không phải cứ tốt và rẻ là chấp nhận. Tôi đến Mỹ vài lần, và lần này phải ở rất lâu vì mọi thứ thay đổi nhanh quá. Cũng là một nước Mỹ hào nhoáng, tiêu dùng, nhưng cách mà họ tiêu dùng đã khác rất nhiều. May mắn là tôi có đủ cơ hội và thời gian để có thể hiểu khá rõ những điểm khác biệt này nên đã có kế hoạch điều chỉnh một số cách thức xuất và nhập hàng của công ty tôi”, anh nói.

Giám đốc công ty chuyên xuất hàng nội thất sang Mỹ tại Bình Dương đã đóng cửa cơ sở của mình. Lý do đơn giản: hàng xuất đi đã khó, tiêu thụ lại càng khó hơn, đến lúc thanh toán thì tiền đô bị mất giá. Ông chỉ hồ nghi là hàng của mình bị cạnh tranh bởi hàng Trung Quốc trên đất Mỹ, nhưng không biết rằng, theo báo cáo mới nhất của Reuters thì người Mỹ đang có xu hướng ngưng mọi hoạt động sắm sửa, tu bổ cho nhà cửa để có thể tiết kiệm được chi phí cho cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.

Câu chuyện người Việt “rầu” như ông chủ hàng gỗ này lại đang là câu chuyện phổ biến ở những doanh nghiệp sống bằng lượng hàng xuất sang thị trường Mỹ. Thống kê không chính thức của một chuyên viên thị trường cho thấy, hàng loạt doanh nghiệp đã phải tạm ngưng hoạt động vì lượng hàng bị tồn quá lớn ở Mỹ đang có nguy cơ không thanh lý nổi.

Rõ ràng, khi mà tâm lý tiêu dùng của thị trường mục tiêu thay đổi, thì nó đã có những tác động trực tiếp và cụ thể đến những doanh nghiệp đang tham gia kinh doanh tại thị trường này. Nước Mỹ thì xa, không phải ai cũng có đủ cơ hội và kinh phí để đi khảo sát thị trường và đành nhắm mắt làm theo công thức cũ. Có một câu hỏi về trách nhiệm thông tin của những cơ quan xúc tiến thương mại nằm ở đâu thì vẫn còn bỏ ngỏ.