13:21 22/08/2016

Người Nhật tìm cách hưởng lợi từ cơn sốt Pokemon Go

Ngọc Diệp

Sau Abenomics, từ khóa tiếp theo người Nhật nói đến chính là Pokenomics

Chuyện an toàn là rất quan trọng, nhưng tại đất nước có doanh thu từ ngành công nghiệp trò chơi trên điện thoại di động lớn nhất thế giới, doanh nghiệp và báo chí Nhật quan tâm nhiều hơn đến việc tối đa hóa lợi nhuận từ Pokemon Go - Ảnh: Internet.<br>
Chuyện an toàn là rất quan trọng, nhưng tại đất nước có doanh thu từ ngành công nghiệp trò chơi trên điện thoại di động lớn nhất thế giới, doanh nghiệp và báo chí Nhật quan tâm nhiều hơn đến việc tối đa hóa lợi nhuận từ Pokemon Go - Ảnh: Internet.<br>
Thời gian này, đang là những ngày nắng đẹp ở công viên Ueno, trung tâm thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ở đây, có thể thấy nhiều chiếc xe đỗ lại, cả gia đình bước xuống, họ mang theo lều trại, quần áo che nắng, kem chống nắng, đồ ăn.

Ai cũng nghĩ rằng họ đang đến công viên để đi dã ngoại, nhưng thực ra họ đang đi chơi Pokemon Go. Sau khi dựng trại, mỗi người cầm một chiếc điện thoại, và các gia đình tản ra trong công viên để đi bắt... Pokemon.

Tác động dây chuyền

Đã có hàng trăm triệu người tại hàng chục nước chơi Pokemon Go, tuy nhiên, chơi một cách cẩn thận và chu toàn được như người Nhật chắc cũng không nhiều.

Theo số liệu thống kê chính thức được tờ Japan Times đăng tải, sau khi ra mắt vào ngày 22/7/2016, chỉ một tuần sau, toàn nước Nhật đã có 21 triệu người chơi Pokemon Go, tương đương 16,5% dân số.

Chưa có con số thống kê đến thời điểm hiện tại, nhưng chắc chắn nó còn tăng thêm nhanh chóng.

Không chỉ người trẻ chơi Pokemon Go, doanh số bán điện thoại thông minh tại các hãng như AU, SoftBank tăng mạnh, khi nhiều người cao tuổi cũng mua điện thoại mới để chơi Pokemon Go.

Cả xã hội Nhật say sưa với những chú Pokemon.

Khắp các công viên, nhà ga, bến tàu, bến xe, nhà hàng, tiệm bánh và tất cả các địa điểm công cộng, nơi các chú Pokemon được thả, nơi nào cũng đông chật người cầm điện thoại chúi mắt vào màn hình, rồi đi khắp các chốn để bắt Pokemon.

Điều đáng lưu ý, là không chỉ có Nintendo hưởng lợi từ mức doanh thu được ước tính lên đến 4 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp Nhật khác cũng đang ăn theo trò chơi này.

Trước khi trò chơi Nintendo ra mắt, doanh số của chuỗi nhà hàng fast-food McDonald tại Nhật đang ế ẩm. Năm 2015, McDonald Nhật thua lỗ đến 34,70 tỷ Yên, tệ nhất trong hơn 15 năm.

Bỗng nhiên đến tháng 7/2016, “chiếc đũa thần” Pokemon Go mang đến món quà tuyệt vời cho McDonald. Nhiều nhà hàng McDonald được trò chơi Pokemon Go cài Pokemon cho người dùng đến bắt, và hệ quả là lượng khách đến mua đồ và sử dụng dịch vụ tại hệ thống 2.900 nhà hàng của McDonald Nhật tăng đột biến.

Giới đầu tư tất nhiên không bỏ qua thông tin trên. Có thể nói nhờ Pokemon, mà cổ phiếu McDonald Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 15 năm, vào phiên cuối tháng 7/2016.

Pokenomics

Nintendo hiện có kế hoạch tiếp tục bổ sung thêm nhiều nhân vật anime nổi tiếng vào nhóm các con vật được tìm bắt trong Pokemon Go.

Trong cuộc sống thường ngày, người Nhật vốn nổi tiếng khép kín, và Pokemon Go đã mang đến cho họ một lý do để nói chuyện với nhau nhiều hơn. Vì thế nên đã có không ít câu chuyện lãng mạn được báo chí đăng tải về chuyện tình từ Pokemon Go.

Một người đàn ông lên báo kể rằng anh ta đã tìm được bạn gái nhờ Pokemon Go. Hai người làm quen với nhau ở góc phố nọ khi cùng đi bắt Pokemon, và giờ họ đã thành cặp đôi.

Báo chí Nhật cũng có một số bài viết cảnh báo người chơi Pokemon Go về những nguy hiểm có thể gặp khi chơi. Lãnh đạo tỉnh Niigata thậm chí đã phải họp khẩn với nhau để đưa ra hướng dẫn chơi Pokemon Go an toàn cho học sinh cấp 2 và cấp 3 trước khi các em kết thúc kỳ nghỉ hè và quay lại trường.

Ngay lập tức, tập đoàn Nintendo đã có phản ứng. Công ty trực thuộc của Nintendo tại Kyoto hiện đang phát triển thiết bị giúp người chơi Pokemon Go được an toàn, nhận được cảnh báo rủi ro khi cần thiết. Sản phẩm dự kiến sẽ sớm được tung ra với giá bán khoảng 35 USD.

Còn ngay lúc này, người Nhật chuyền tay nhau một sản phẩm đơn giản được làm từ mắc áo và vài sợi dây chun, giúp cài được điện thoại lên đó, cho người chơi Pokemon Go đỡ mỏi tay.

Chuyện an toàn là rất quan trọng, nhưng tại đất nước có doanh thu từ ngành công nghiệp trò chơi trên điện thoại di động lớn nhất thế giới, doanh nghiệp và báo chí Nhật quan tâm nhiều hơn đến việc tập đoàn Nintendo sẽ làm gì để tiếp tục duy trì thành công của trò chơi này.

Họ hối thúc Nintendo đưa ra thêm nhiều ứng dụng hỗ trợ giúp trò chơi trở nên cởi mở hơn với người dùng, ví dụ như ứng dụng cho phép người dùng thay những con Pokemon bằng hình ảnh người thân của họ đi kèm với thông điệp về tình bạn, tình yêu.

Giới phân tích và bình luận về kinh tế Nhật đua nhau tính toán tổng doanh thu mà trò chơi mang lại cho toàn bộ nền kinh tế Nhật là bao nhiêu, thậm chí đặt tên cho hiện tượng kinh doanh mới là Pokenomics. Bộ phận nghiên cứu thị trường của tờ Nikkei dự báo ước tính Pokemon Go sẽ mang lại cho kinh tế Nhật tổng số khoảng 5 nghìn tỷ Yên.

Tổng biên tập của trang tin News Socra thì tuyên bố, ông vô cùng thích thú trò chơi này, và rằng trò chơi nên được nhanh chóng phát triển để có thêm người chơi và thu được thật nhiều doanh thu, trước khi sự yêu thích của công chúng với nó giảm bớt.

Tâm động đất cũ cũng hưởng lợi

4 tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc nước Nhật - bao gồm Iwate, Miyagi, Fukushima và Tohoku - từng bị tàn phá nặng nề bởi động đất và sóng thần năm 2011 đã có thời hoang vắng, không ai muốn viếng thăm. Hàng trăm nghìn người đã rời khỏi vùng đất này, sống trong các nhà tạm và đến bây giờ ít ai muốn trở về.

Đến tháng 8/2016 này, người ta không khỏi bất ngờ khi đón nhận thông tin về việc nhiều địa điểm ở các tỉnh trên, dù nằm cách đến cả chục cây số với một số khu vực đô thị, nhưng lại đông đúc một cách bất ngờ. Lý do là, nhiều địa điểm tại đây đã được cài đặt Pokemon trên hệ thống để người chơi đến bắt.

Hơn 5 năm kể từ cái ngày tai họa xảy ra người ta mới lại được nhìn thấy nhiều người đến các khu vực từng bị động đất, sóng thần đến thế. Khi đã đi quãng đường xa như vậy, người đến bắt Pokemon cũng có nhu cầu ăn uống, kiếm chỗ nghỉ ngơi để tiếp tục đi bắt Pokemon, vì thế nên dịch vụ ăn uống, mua sắm do người dân địa phương cung cấp cũng có dịp phát triển hơn.

Những vị lãnh đạo của 4 tỉnh trên đã ngay lập tức có những cuộc nói chuyện với Nintendo. Họ đề nghị nhà sản xuất gắn thêm các Pokemon ảo vào 4 tỉnh để khuyến khích thêm nhiều người đến thăm.

5 năm đã trôi qua, nhưng những chương trình tái thiết tại tâm thảm họa động đất sóng thần năm 2011 vẫn chưa hoàn thành. Các tỉnh này đang cần thêm người đến sống, sinh hoạt hoặc ít nhất là du lịch và chi tiêu, để hoạt động kinh tế khu vực có thể hồi phục.

Phát biểu với báo giới, tỉnh trưởng tỉnh Miyagi, ông Yoshihiro Murai, nói: “Tôi hy vọng khi có thêm Pokemon ở tỉnh chúng tôi, sẽ có thêm nhiều người trẻ nữa đến, để hiểu hơn về những gì đã và đang diễn ra tại những khu vực còn rất khó khăn này”.