23:37 04/08/2019

Người nông dân có thể lời 30-40 triệu đồng/ha từ loại gạo đặc biệt

Duyên Duyên

Nhờ trồng lúa hữu cơ, tạo ra loại gạo sạch có giá trị cao mà thu nhập của người nông dân lên đến 30-40 triệu đồng/ha sau khi đã trừ đi các chi phí phân, giống

Gạo hữu cơ Ong Biển ở Quảng Trị đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng và là loại gạo siêu sạch hiện nay.
Gạo hữu cơ Ong Biển ở Quảng Trị đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng và là loại gạo siêu sạch hiện nay.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, gút trong gạo hữu cơ được trồng tại Quảng Trị.

Thông tin này được PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) cho biết tại buổi họp báo công bố Gạo Ong Biển có chứa hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) tổ chức sáng 3/8.

Theo đó, sau khi tiến hành làm xét nghiệm các chỉ tiêu, PGS Trần Đăng Xuân đã phát hiện một loại gạo hữu cơ ở Quảng Trị đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng. Đó là loại gạo có tên gạo Ong Biển.

Không những vậy, loại gạo này còn chứa hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, cũng như bệnh gút.

"Nhiều hoạt tính quý của hai hợp chất này đang được chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và đã đăng trên nhiều tạp chí sinh học quốc tế. Chúng tôi cũng phát hiện sự có mặt của hai hợp chất này trên gạo hữu cơ ở Quảng trị", ông Trần Đăng Xuân chia sẻ.

PGS Trần Đăng Xuân khẳng định, việc ăn một lượng gạo nhất định hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, béo phì hay gút.

Kết luận này thay đổi quan niệm thông thường rằng ăn gạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cho con người. Ngoài ra, MA và MB còn có khả năng chống Oxi hóa, ức chế sinh khuẩn và chống khuẩn, đóng vai trò quan trọng cho khả năng chịu mặn và chịu hạn của cây lúa.

Tiến sỹ y khoa Đàm Duy Thiên cũng cho biết, để tạo ra được loại gạo này thì đòi hỏi người nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng bất cứ phân bón hóa học nào.

Mở rộng nghiên cứu, các nhà khoa học được biết, trong quá trình trồng và chăm sóc, nông dân ở các hợp tác xã sản xuất tại Quảng Trị chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh được sản xuất tại nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu và tưới nước. Tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như bất cứ loại phân hóa học nào.

Mô hình chuỗi liên kết đã này đến nay đã thực hiện được khoảng 3 năm và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Năng suất lúa ổn định, khi thu hoạch lúa của bà con nông dân xã viên được doanh nghiệp thu mua luôn tại chân ruộng với giá thành đã được doanh nghiệp ký kết trước đó. 

Theo đó, nông dân trồng lúa hữu cơ không còn lo đầu ra cho sản phẩm, thu nhập ổn định ở mức 30-40 triệu đồng/ha sau khi đã trừ đi các chi phí phân, giống.

Không chỉ giúp bà con nông dân trồng lúa này ở Quảng Trị có cuộc sống ổn định hơn, gạo sản xuất ra được doanh nghiệp và chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Ong Biển trồng ở Quảng Trị (hay còn gọi là Gạo hữu cơ Quảng Trị).