Người nước ngoài có thể được lập thư viện tại Việt Nam
Tổ chức, cá nhân nước ngoài không chỉ tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức mà còn được phép tham gia thành lập thư viện và tổ chức hoạt động thư viện
Tổ chức, cá nhân nước ngoài không chỉ tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức mà còn được phép tham gia thành lập thư viện và tổ chức hoạt động thư viện.
Đó một trong những điểm mới tại dự thảo Luật Thư viện so với Pháp lệnh Thư viện, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 13/3.
Theo tờ trình của Chính phủ, hệ thống pháp luật về thư viện hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Về phạm vi điều chỉnh thì pháp lệnh chỉ điều chỉnh hệ thống thư viện công lập, chưa điều chỉnh thư viện tư nhân, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu thành lập thư viện để phục vụ nhu cầu của người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có cả nhu cầu phục vụ người Việt Nam, nhưng chưa có căn cứ pháp lý để quản lý nên chưa khai thác được nguồn lực nước ngoài để phát triển sự nghiệp thư viện, cơ quan trình dự án luật nêu rõ.
Hạn chế nữa cũng được Chính phủ đề cập là chính sách xã hội hóa đã được đặt ra nhưng chưa có quy định về quyền và lợi ích cho cá nhân, tổ chức tham gia nên chưa thu hút được nhiều đóng góp của xã hội cho hoạt động thư viện. Quy định về "ưu tiên giải quyết đất xây dựng thư viện" thực tế không chỉ khó đối với thư viện tư nhân mà chính các thư viện công lập cũng chưa được thực hiện (nhiều thư viện công lập bị lấy lại trụ sở, chuyển đến nơi xa trung tâm).
Chính phủ cho biết, dự thảo Luật Thư viện kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi bổ sung 19 điều, quy định mới 32 điều so với Pháp lệnh và các quy định hiện hành.
Luật Thư viện được ban hành sẽ mở rộng và khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động thư viện, góp phần làm tăng số lượng thư viện, nâng cao chất lượng phục vụ; việc kết nối, liên thông giữa các thư viện được thực hiện đồng bộ, người dân có nhiều cơ hội dễ dàng tiếp cận thông tin, số lượng người đọc sách tăng góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Về những điểm mới, ban soạn thảo cho biết dự thảo đã bổ sung nhóm thư viện ngoài công lập bao gồm: thư viện của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, cơ sở tôn giáo, tổ chức kinh tế, thư viện thuộc cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện có yếu tố nước ngoài vào các loại thư viện Việt Nam.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, vừa qua công tác quản lý hoạt động thư viện chưa được chú trọng. Nhiều thư viện bán sách cũ theo cân, trong đó có nhiều sách quý mà người mua thanh lọc ra, bán lại rất đắt, có quyển hàng triệu đồng.
Một lượng tài sản lớn của Nhà nước bị thất thoát lãng phí một cách nghiêm trọng. Quy định trước đây về thư viện, kể cả khi chưa có Pháp lệnh Thư viện, cũng rất chặt chẽ, mọi cuốn sách của thư viện đều được đóng dấu ở trang 17. Thế mà bây giờ thì hết sức lộn xộn, ông Hiển nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá đọc trong nền văn hoá của mỗi quốc gia, Phó chủ tịch Quốc hội kể, ông đã đến nhiều nước phát triển và không được "khoe" GDP bình quân đầu người mà được bạn giới thiệu về thư viện một cách tự hào.
Lưu ý trong thời đại công nghệ thông tin phát triển thì xây dựng và vận hành thư viện rất khác với cách làm cũ, ông Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp rà soát lại điều kiện để thành lập thư viện, có sự phân biệt công lập với tư nhân. Đặc biệt, cần cân nhắc kỹ quy định về các hành vi bị cấm, bởi nếu không cụ thể hoá sẽ lại trở thành bó buộc.