Nguồn cung tăng mạnh đang đe dọa giá dầu?
Đợt tăng giá kéo dài 2 năm qua của dầu thô sẽ đối mặt với thử thách lớn trong mấy tháng sắp tới
Đợt tăng giá kéo dài 2 năm qua của dầu thô sẽ đối mặt với thử thách lớn trong mấy tháng sắp tới, trong bối cảnh xuất hiện một làn sóng nguồn cung bên cạnh những mối lo về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Sau khi vượt ngưỡng tương ứng 75 USD/thùng và 85 USD/thùng cách đây 1 tháng, giá dầu WTI và giá dầu Brent đồng loạt sụt giảm chóng mặt mấy tuần gần đây.
Đã có những thời điểm giá dầu được hỗ trợ bởi niềm tin rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran sẽ khiến nguồn cung dầu từ Iran sụt mạnh. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, tình thế đã thay đổi vào tuần trước.
Ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Nga, Saudi Arabia và Mỹ đều cho biết đang khai thác dầu với tốc độ kỷ lục hoặc gần kỷ lục.
Sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), dẫn đầu là Saudi Arabia, đạt mức cao nhất 2 năm. Sản lượng dầu của Mỹ trong tháng 8 đạt kỷ lục 11,3 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Sản lượng dầu của Nga tăng lên mức 11,4 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ thời Liên Xô.
Tiếp đó, Mỹ nói sẽ áp dụng miễn trừ - cho phép một số quốc gia, trong đó có Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp tục mua dầu của Iran mà không chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Động thái này của Washington làm giảm đáng kể nguy cơ nguồn cung dầu bị siết lại khi lệnh trừng phạt bắt đầu được tái áp lên ngành dầu lửa của Iran từ ngày 5/11.
Những diễn biến trên, cùng với loạt dữ liệu kinh tế kém khả quan mà Trung Quốc và một số thị trường mới nổi khác công bố gần đây, đã đưa cuộc tranh luận trên thị trường dầu lửa trở lại với chủ đề dư thừa nguồn cung. Trong bối cảnh như vậy, giá dầu tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4.
Nếu như biểu đồ giá dầu mấy tháng trước đều phản ánh kỳ vọng về nguồn cung thắt chặt, thì lúc này, diễn biến giá dầu cho thấy giới đầu tư đang tin rằng thị trường sẽ ngập trong dầu thừa sau vài tháng nữa.
"Mức độ bán tháo gần đây rất mạnh, một tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu yếu hơn dự báo do vấn đề thuế quan, nhất là giữa Mỹ với Trung Quốc", ông Jim Ritterbusch, Giám đốc Ritterbusch & Associates, phát biểu.
Trong vòng 2 tuần qua, số lượng ròng các hợp đồng đầu cơ dầu lửa giá lên ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 1 năm. Bán tháo tăng tốc mạnh trong phiên giao dịch vào ngày thứ Năm tuần trước, khi giá dầu WTI giao sau tại Mỹ tụt xuống dưới mốc 65 USD/thùng, mức giá mà dầu WTI giữ vững trong những đợt bán vào mùa hè.
Sáng thứ Hai, giá dầu WTI giao tháng 12 lúc hơn 9h theo giờ Việt Nam giảm 0,47 USD/thùng so với đóng cửa cuối tuần trước, còn 62,67 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,42 USD/thùng, còn 72,41 USD/thùng.
Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng giá dầu đã giảm quá nhanh và quá sâu. Họ nói OPEC sẽ không thể bổ sung thêm nguồn cung trong trường hợp cần thiết, đặc biệt là khi hoạt động khai thác dầu của Iran, Venezuela và Libya vẫn đứng trước nhiều rủi ro.
"Nếu nguồn cung dầu Iran giảm 1 triệu thùng/ngày, nguồn dầu từ Venezuela tiếp tục giảm, cộng thêm sự gián đoạn nguồn cung ở Libya và Nigeria có thể dễ dàng hấp thụ hết công suất dự trữ của OPEC", một báo cáo của Bernstein mới đây nhận định.