06:00 15/05/2021

Nguy cơ ách tắc nông sản do thiếu kho lạnh

Chu Khôi

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêu thụ nhiều loại nông, thủy sản có thể bị chậm lại, gây tồn ứ. Trong khi đó, số lượng kho lạnh hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu...

Hội nghị “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19”.
Hội nghị “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19”.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêu thụ nhiều loại nông, thủy sản có thể bị chậm lại, gây tồn ứ. Trong khi đó, số lượng kho lạnh hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu...

Đây chỉ là một trong những nút thắt được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, ngày 14/5/2021.

.GẠO DỄ BÁN, THỊT VÀ TRÁI CÂY ĐÁNG LO

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 4 tháng đầu năm 2021 đạt 125 triệu USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 34 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Rủi ro đối với thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi không cao, do tỷ trọng sản phẩm chăn nuội xuất khẩu so với tiêu thụ tại thị trường nội địa rất nhỏ. Tuy nhiên, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lại đang gặp khó ở thị trường nội địa. "Hiện tại thị trường trong nước, sức tiêu thụ đối với sản phẩm chăn nuôi đang giảm, do ảnh hưởng của thời tiết vào mùa nóng lượng tiêu thụ thịt giảm. Trong khi đó, do dịch Covid-19 dẫn đến giãn cách xã hội, đóng cửa các chợ cóc, trường học, bếp ăn tập thể, khiến cho lượng tiêu thụ các mặt hàng thịt giảm. "Đã có một số địa phương phải cách ly nên việc vận chuyển thực phẩm ra vào vùng dịch cần đảm bảo thông suốt”, ông Trọng lưu ý.

Đối với việc tiêu thụ các loại trái cây, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết sản lượng trái cây trong năm nay dự kiến thu hoạch gần 14 triệu tấn. Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9,5 so với cùng kỳ năm 2020. Sản ượng vải 2021 tại 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên ước đạt 250 nghìn tấn, trong đó 50% khối lượng cần được xuất khẩu.

 

“Sản phẩm rau quả mang nặng tính chất mùa vụ và tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi, trong một khoảng thời gian ngắn, lượng sản phẩm yêu cầu phải tiêu thụ rất lớn gây áp lực lên thị trường, điển hình là các sản phẩm vải, nhãn. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng liên ngành, các địa phương trồng vải và các tỉnh biên giới cần xây dựng và thực hiện nhiều phương án tiêu thụ cho các tình huống để sẵn sàng ứng phó"

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Về lúa gạo, ông Cường cho hay, kế hoạch sản xuất năm 2021 gieo trồng 7,257 triệu ha, sản lượng thu hoạch khoảng 43,3-43,5 triệu tấn thóc, tương đương 26 triệu tấn gạo. Dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước gần 30 triệu tấn thóc, còn lại 13 triệu tấn, tương đương 6,5 triệu tấn gạo cần xuất khẩu.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo ước đạt 1,9 triệu tấn, kim ngạch 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% khối ượng nhưng tăng 1,2 về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân 534 USD/tấn, tăng 13,4 so với cùng kỳ năm trước.

Theo  ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhu cầu mua lúa gạo từ thị trường thế giới vẫn ở mức cao, nhất là từ các thị trường lớn như Phillippin, Malaysia, Trung Quốc, Gana, Papua New Guinea… đều tăng mạnh.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm nhu cầu ương thực, thực phẩm tại nhiều quốc gia tăng cao. Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang gặp phải khó khăn về xuất khẩu gạo do đồng Rupee yếu đi và làn sóng dịch Covid-19 tác động lên logistics, từ xay xát tới vận chuyển gạo ra cảng.

Kể cả Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới, song đang nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi những đợt mưa lũ lớn liên tiếp gây tổn thất mùa màng, đồng thời đang chịu làn sóng lây nhiễm mới, phải kéo dài thời gian phong tỏa.

XUẤT KHẨU SANG TRUNG QUỐC THUẬN LỢI

Cũng theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 4 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có chuyển biến tích cực đạt hơn 5,5 tỷ USD tăng 27,8 so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,023 tỷ USD tăng 36,5 so với cùng kỳ năm 2020, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều tăng. Hiện phía Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh, do đó thị trường nông sản sẽ hoạt động phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

 

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đang diễn ra ổn định và sôi động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,29 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, nhu cầu thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 của phía Trung Quốc tăng mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Móng Cái – Đông Hưng. Cụ thể: cửa khẩu Bắc Luân xuất khẩu đạt 76.394 tấn hàng hóa nông sản trong 4 tháng, tăng 32,01% so cùng kỳ năm 2020; lối mở Km3+4 Hải Yên qua Cầu phao đạt 14.445 phương tiện chở 374.904 tấn hàng nông sản, tăng 317 so cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu hàng nông, thủy sản qua Lục Lầm đạt 1.508 tấn, trong đó chủ yếu là khoai lang, chanh leo, roi và hải sản (ngao, hàu, cua biển, cá).

THIẾU KHO LẠNH ĐỂ BẢO QUẢN NÔNG SẢN

Sau  khi nghe các phản ánh từ địa phương, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý: bước vào những tháng đầu quý 2/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát tăng nhanh toàn cầu khiến các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông vận chuyển hàng hóa nông sản đã bị ảnh hưởng nặng nề,

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ ra hạn chế hiện  nay: Tiêu thụ nông sản đang gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm, áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản và vốn ứ đọng hàng hóa. 

 

“Các gói tín dụng hiện nay tuy có lãi suất thấp nhưng cần đảm bảo mọi doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và suy giảm”.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Mặt khác, thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển; một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, theo dõi sát tình tình dịch bệnh, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp; đồng thời tham mưu bộ tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến các địa phương, phối hợp bàn giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.

Ông Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết các vấn đề phát sinh khi có vướng mắc, đặt biệt tại các cửa khẩu. Các hiệp hội, ngành hàng phát huy vai trò, phối hợp với ngành chức năng để thông tin kịp thời và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai ở các địa phương.

 

Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu).Với số lượng kho lạnh hiện nay, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.