21:47 14/05/2021

Nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập cộng đồng ở Bắc Ninh, Bắc Giang

Tiến Dũng

Bắc Ninh và Bắc Giang là hai địa bàn phức tạp với các khu công nghiệp và nhiều công nhân làm việc tại đây lưu trú tại địa phương khác...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp - Ảnh: TTXVN.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp - Ảnh: TTXVN.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì diễn ra chiều 14/5, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết diễn biến các nguồn lây nhiễm liên quan đến Hà Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái, đều đã được kiểm soát và không có khả năng lây lan ra cộng đồng. 

Trong khi đó, nguồn lây nhiễm liên quan đến Đà Nẵng, ghi nhận tại cơ sở mát xa, quán bar New Phương Đông (quận Hải Châu), Công ty Tân Trường Minh (khu công nghiệp An Đồn) về cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, nguồn lây nhiễm tại Đà Nẵng chưa được xác định rõ nên có khả năng ghi nhận các ca bệnh ở những khu vực khác. 

Với nguồn lây tại Hà Nội, đến nay cả 76 ca nhiễm đều xác định rõ nguồn lây. Còn tại Hải Dương, 5 ca bệnh tại cộng đồng được cho là có nguồn gốc nhập cảnh nước ngoài. Tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh hiện đã được quản lý và cách ly.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn nhận định các chùm ca bệnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang có nguy cơ cao lây nhiễm ra cộng đồng.

ĐỊA BÀN PHỨC TẠP VỚI NHIỀU KHU CÔNG NGHIỆP

Tại Bắc Ninh, đa số các trường hợp bệnh tập trung tại chùm ca bệnh ở huyện Thuận Thành và bắt đầu ghi nhận một số ca bệnh tại khu công nghiệp.

"Bắc Ninh là địa phương có nhiều khu công nghiệp và đã có các trường hợp là F1 của các bệnh nhân trước đó tới làm việc. Do vậy, nguy cơ các khu công nghiệp có ca xâm nhập từ cộng đồng là rất lớn. Còn tại Bắc Giang, hầu hết các ca bệnh liên quan đến Khu công nghiệp Vân Trung, từ 1 công ty đã lan sang nhiều công ty. Ngoài ra, những công nhân mắc bệnh đã làm lây nhiễm bệnh cho người dân ở khu vực xung quanh. Nếu không quản lý chặt chẽ ổ dịch tại khu công nghiệp thì nguy cơ xuất hiện các chùm ca bệnh lớn ngoài cộng đồng là rất cao", ông Đặng Quang Tấn cho biết.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: TTXVN.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: TTXVN.

Theo ông Tấn, một trong những khó khăn của Bắc Ninh, Bắc Giang là có lao động làm việc trong các khu công nghiệp sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố khác, do đó, việc quản lý công nhân, đặc biệt là những trường hợp F2 tại nơi cư trú gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng này, Thường trực ban Chỉ đạo và các chuyên gia cho rằng phải nhanh chóng kiện toàn và tái kích hoạt tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia, làm nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế phân tích thông tin, dữ liệu, ý kiến chuyên gia. Đồng thời, thiết lập cơ chế giám sát các đối tượng nhập cảnh, đối tượng cách ly trong suốt quá trình từ khi nhập cảnh đến hết giai đoạn cách ly, theo dõi y tế sau cách ly, đồng thời xác minh những thông tin khó mà bằng phương pháp truy vết thông thường không giải quyết được.

 

"Các địa phương chống dịch nhưng không được ngăn sông, cấm chợ, gây ách tắc. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt những kỹ sư, công nhân đang làm việc ở vùng có dịch nhưng cư trú ở địa phương khác, trong đó có Hà Nội, thì sẽ mang lại nguy cơ dịch bệnh cho nơi cư trú".

PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM

Tổng hợp các nguồn thông tin ngoài y tế để giúp hệ thống y tế xây dựng các kịch bản ứng phó, nhất là trong các hoàn cảnh đặc biệt như các đợt nghỉ lễ, các sự kiện văn hóa xã hội đặc biệt; xây dựng bản đồ an toàn Covid-19, thường xuyên đánh giá xếp hạng và xác định những điểm nguy cơ nhằm mục đích đưa ra cảnh báo sớm và đáp ứng nhanh ở các cấp độ khác nhau.

“Chúng ta cũng phải tăng cường phối hợp chia sẻ dữ liệu giữa lực lượng công an truy vết ở cơ sở với việc truy vết, theo dõi bằng QR Code, tờ khai y tế điện tử, để hỗ trợ địa phương truy vết, khoanh vùng hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Hiện tại, khoảng 2.000 người sinh sống ở Hà Nội đang làm việc trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Do đó, nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng các địa phương có khu công nghiệp ghi nhận ca nhiễm Covid-19 phải phối hợp với các địa phương mà người làm việc sinh sống. 

"Các địa phương chống dịch nhưng không được ngăn sông, cấm chợ, gây ách tắc. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt những kỹ sư, công nhân đang làm việc ở vùng có dịch nhưng cư trú ở địa phương khác, trong đó có Hà Nội, thì sẽ mang lại nguy cơ dịch bệnh cho nơi cư trú", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Các tỉnh có khu công nghiệp tập trung phải có danh sách kỹ sư, công nhân, người lao động cư trú ở tỉnh khác để trong trường hợp có dịch thì ưu tiên tăng cường xét nghiệm bằng phương pháp, tần suất xét nghiệm phù hợp, bảo đảm an toàn cả nơi sản xuất và nơi cư trú.

TỐC ĐỘ XÉT NGHIỆM CÒN CHẬM

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo và các chuyên gia nhận định công tác kiểm soat dịch tại Bắc Ninh và Bắc Giang thời gian qua dù đã được khoanh vùng kịp thời nhưng năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng được tốc độ lấy mẫu, truy vết nên thời gian dập dịch, kiểm soát dịch bệnh bị kéo dài.

Cụ thể, tại Bắc Giang, số mẫu được lấy là khoảng 30.000, nhưng công suất xét nghiệm chỉ khoảng 1.500 mẫu/ngày. Do đó, đến nay vẫn còn hơn 6.000 mẫu chưa có kết quả. 

 

"Cả hệ thống phải trong tình trạng trực chiến, khi phát hiện ca chỉ điểm là ra quân nhanh nhất, khoanh vùng ngay tập tức"

PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhất trí quan điểm rằng các ổ dịch ở Hà Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc cơ bản được kiểm soát và tới đây sẽ còn xuất hiện ca nhiễm mới nằm trong khu cách ly, khoanh vùng hoặc rõ nguồn lây. Tuy nhiên, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, tốc độ kiểm soát dịch bệnh chậm hơn dự kiến, mà một trong những nguyên nhân là tốc độ xét nghiệm chậm. Do đó, Bộ Y tế phải tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ Bắc Ninh, Bắc Giang để trong 2 ngày, cùng lắm 3 ngày tới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

"Cả hệ thống phải trong tình trạng trực chiến, khi phát hiện ca chỉ điểm là ra quân nhanh nhất, khoanh vùng ngay tập tức", Phó Thủ tướng quán triệt. "Tới đây, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, nơi nào thực hiện không nghiêm, để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh, dứt khoát phải xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định".

Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP
Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, có thói quen sát khuẩn thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 qua giọt bắn và từ bề mặt như bàn, ghế; thực hiện an toàn Covid đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp …

"Có như vậy chúng ta mới kiểm soát được dịch bệnh, khống chế các ổ dịch, không để đến mức phải cách ly xã hộ, không để người tử vong nhiều như các nước. Mỗi người an toàn thì cả nước mới an toàn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.