08:32 19/07/2011

Nguy cơ sáp nhập, thâu tóm đối với công ty chứng khoán

Nguyễn Hoàng

Đại diện BSC cho rằng tời gian tới, việc sáp nhập hoặc bị thâu tóm sẽ trở thành một xu hướng rõ nét ở các công ty chứng khoán

Ông Đỗ Huy Hoài - Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội Đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)
Ông Đỗ Huy Hoài - Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội Đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)
Ông Đỗ Huy Hoài - Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội Đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng tời gian tới, việc sáp nhập hoặc bị thâu tóm sẽ trở thành một xu hướng rõ nét ở các công ty chứng khoán.

Hôm nay, BSC sẽ chính thức niêm yết 86,5 triệu cổ phiếu tại HSX với mã BSI với giá tham chiếu 10.300 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá cao hơn khoảng 33% so với thị giá bình quân của 25 cổ phiếu công ty chứng khoán đang niêm yết trên cả hai sàn (7.700 đồng/cổ phiếu). 

Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy 6 tháng đầu năm đã có hơn 60 công ty chứng khoán thua lỗ. Thị trường xấu, bối cảnh vĩ mô khó khăn được dự đoán sẽ là nguyên nhân khiến các công ty phải cắt giảm và thu hẹp quy mô hoạt động, tiến tới sáp nhập để hiệu quả tốt hơn, hoặc bị thâu tóm. VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Huy Hoài - Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội Đồng quản trị BSC.

Lợi nhuận nửa đầu năm 2011 của BSC khá khiêm tốn và mục tiêu lợi nhuận cả năm cũng không cao, cổ tức đến 2012 cũng khá thấp. Vậy ông kỳ vọng thị trường định giá cổ phiếu BSC như thế nào khi niêm yết? 

Theo tôi, trong điều kiện thị trường giao dịch bình thường, giá trị của một cổ phiếu thường được thị trường đánh giá sát hơn. Với bối cảnh hiện nay, giá cổ phiếu của BSC có thể sẽ chưa được thực sự đánh giá đúng với giá trị thực trong giai đoạn mới niêm yết. 

Trên thực tế, việc đưa ra được một kế hoạch kinh doanh hấp dẫn với các nhà đầu tư không khó nhưng khả năng thực hiện và hoàn thành kế hoạch không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định chủ quan của BSC mà còn chịu sự chi phối rất lớn của yếu tố khách quan. Chúng ta đều thừa nhận rằng, với bối cảnh kinh tế vĩ mô đang diễn biến rất phức tạp, lãi suất leo thang, lạm phát chưa hình thành xu hướng giảm mạnh, thị trường chứng chứng khoán sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Việc hoạch định một kế hoạch kinh doanh khả thi và thận trọng là cần thiết hơn với BSC. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cam kết nỗ lực tối đa và quan tâm thường xuyên tới lợi ích của các cổ đông, đảm bảo chi phí cơ hội cho việc đầu tư vào cổ phiếu của BSC là thấp nhất.  

Ông có thể cho biết cơ cấu lợi nhuận chính của BSC trong năm 2011 và dự kiến trong năm 2012? 

Cơ cấu lợi nhuận chính của BSC trong năm 2011 và dự kiến trong năm 2012 sẽ tập trung vào mảng đầu tư tài chính (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu), dịch vụ chứng khoán và tư vấn tài chính. Đây là ba mảng mà BSC có thế mạnh và có kinh nghiệm lâu năm. Tuy nhiên, tỷ trọng trong cơ cấu lợi nhuận năm nay và năm tới có thể thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng của hai lĩnh vực dịch vụ chứng khoán và tư vấn tài chính, và hai mảng này trở thành mũi nhọn chính đóng góp vào cơ cấu lợi nhuận trong kế hoạch kinh doanh 5 năm 2011-2015.

Lĩnh vực dịch vụ chứng khoán đang có sự cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh thị trường chung rất ảm đạm, BSC lại đặt mục tiêu tăng tỉ trọng nguồn thu từ dịch vụ chứ không phải từ hoạt động đầu tư. Vậy đâu là những bước đi cụ thể để BSC giành được thị phần? BSC có dấn thân vào cuộc cạnh tranh bằng những dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư có mức độ rủi ro cao như cung cấp đòn bẩy?

Mục tiêu tăng tỉ trọng nguồn thu từ dịch vụ chứng khoán là một trong những mục tiêu chiến lược về nâng cao uy tín, chất lượng dịch vụ của BSC trên thị trường tài chính Việt Nam.

Chúng tôi không lựa chọn cách tiếp cận trực tiếp thông thường hiện nay là bằng những dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư có mức độ rủi ro cao như cung cấp đòn bẩy tài chính. Bước đi mà chúng tôi đặt trọng tâm là thường xuyên thiết kế những gói sản phẩm – dịch vụ hoàn chỉnh, phù hợp nhất với đặc điểm từng lớp nhu cầu của các nhà đầu tư, trong đó lấy chất lượng phân tích, tư vấn đầu tư làm giá trị nền tảng đi cùng với các dịch vụ gia tăng khác cho nhà đầu tư.   

Ông đánh giá thế nào về mức độ cạnh tranh trong nhóm 100 công ty chứng khoán hiện nay. Liệu hoạt động sáp nhập, thậm chí là phá sản có khả năng diễn ra trên diện rộng hay không? Cơ hội cũng như rủi ro nào BSC sẽ gặp phải trong bối cảnh như vậy?

Với quy mô giá trị giao dịch trên thị trường đang thu hẹp, mức độ cạnh tranh tất yếu giữa nhóm 100 công ty chứng khoán sẽ ngày một gay gắt. Tuy nhiên, có sự phân lớp cạnh tranh giữa các nhóm công ty chứng khoán ở các lĩnh vực kinh doanh khác nhau như dịch vụ chứng khoán, môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành…để giành dật thị trường theo những thế mạnh đặc thù của từng nhóm.

Theo ý kiến cá nhân tôi, chưa thể xẩy ra khả năng phát sản hàng loạt ở các công ty chứng khoán trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường và kinh tế vĩ mô hiện tại, cắt giảm và thu hẹp quy mô hoạt động và tiến tới sáp nhập để hiệu quả tốt hơn, hoặc bị thâu tóm sẽ trở thành một xu hướng rõ nét ở các công ty chứng khoán trong thời gian tới.

Chúng tôi cũng đối mặt với những khó khăn và thử thách chung như các công ty chứng khoán khác trên thị trường. Điểm khác khiến chúng tôi đứng vững là BSC đã có một quá trình chuẩn bị khá dài và thận trọng cho việc xây dựng các nền tảng quan trọng cho từng lĩnh vực hoạt động của mình, đặc biệt là lĩnh vực thường gây tổn thương nhất cho bất kỳ công ty nào là hoạt động đầu tư tài chính. Chúng tôi có chiến lược về cơ cấu tỷ trọng giữa chứng khoán và tiền mặt hợp lý trong từng giai đoạn và thường xuyên cơ cấu danh mục đầu tư trên nền tảng đánh giá kịp thời và chuẩn sát về các quan điểm đầu tư ngắn, trung và dài hạn. Vì vậy, đây lại chính là cơ hội cho BSC mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Xin cảm ơn ông.