15:55 15/10/2010

Nhà đất cuối năm: Ít cơ hội “lướt sóng”

Bảo Anh

Những tín hiệu trên thị trường bất động sản hiện nay cho thấy, giới đầu cơ đang kỳ vọng vào một “cơn sóng” có thể nổi lên vào cuối năm

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội.
Những tín hiệu trên thị trường bất động sản hiện nay cho thấy, giới đầu cơ đang kỳ vọng vào một “cơn sóng” có thể nổi lên vào cuối năm.

Nếu điều này trở thành hiện thực, một gam màu nửa sáng nửa tối của khoảng thời gian cuối năm 2009 sẽ lại được vẽ lên trên bức tranh của thị trường nhà đất cuối năm nay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội lại cho rằng, thị trường có thể ấm dần lên, song cơ hội “lướt sóng” kiếm lời lại là điều khó xảy ra.

Trao đổi với VnEconomy, ông Cường nói:

- Từ nay đến cuối năm sẽ có các mốc để hâm nóng thị trường lên. Tuy nhiên không phải là tất cả mà thị trường bất động sản luôn có những chỗ đóng băng, nhưng cũng có những địa điểm vẫn sốt nóng do có nhiều cơ hội biến hàng hoá trở thành hàng hoá siêu lợi nhuận và ngược lại.

Cùng với những thay đổi trong chính sách (Nghị định 71), sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là thời điểm các kiều bào trở về nước, các tổ chức các nước ngoài và các vùng miền trong nước đến với Hà Nội nên đây là kênh để nhiều chủ đầu tư có thể mở rộng sản phẩm bất động sản.

Bên cạnh đó, giá vàng hiện đang tăng đột biến, thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, các kênh đầu tư khác, đặc biệt là kênh đầu tư về ngoại tệ cũng đều thất thường, chỉ có kênh bất động sản là nhiều người vẫn cho rằng sẽ khá an toàn vào thời điểm này.

Nhiều người hy vọng thị trường sẽ khởi động lại sau 1 thời kỳ yên lắng. Tuy nhiên khởi động như thế nào còn là câu hỏi lớn liên quan đến vấn đề Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Trong thời gian qua, khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước kêu ca ế ẩm thì tại sao doanh nghiệp ngoại lại liên tiếp chào hàng dự án?

Xu hướng đầu tư ra nước ngoài là xu hướng tất yếu vì họ sẽ nhanh chóng có được lợi nhuận nếu có sẵn các kênh quan hệ ở ngoài.

Còn nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào Việt Nam quảng cáo, giới thiệu dự án của họ cho người Việt như Mỹ, Anh... nghĩa là người ta nhìn thấy tiềm năng về tài chính của người dân Việt là không nhỏ, đặc biệt là tiền mặt của người dân giữ bên mình còn rất lớn.

Gần đây một số dự án của các nhà đầu tư ngoại lại tỏ ra hút khách hơn là các dự án của doanh nghiệp trong nước, dù giá là không hề thấp?

Với các nhà đầu tư nước ngoài, khi bắt đầu triển khai dự án thì từ việc chọn địa điểm, đến thuê đơn vị tư vấn, thiết kế có thương hiệu, thuê những nhà quản lý, đầu tư và khai thác có thương hiệu được họ xem là chiếm già nửa phầm mềm cốt lõi của dự án đó.

Ví dụ như toà nhà Keangnam, có sự khác biệt rất lớn về thiết kế, đầu tư... còn dự án nội như khu Trung Yên, Trung Hòa... thì kém hơn từ thiết kế, đến vật liệu và các dịch vụ đi kèm...

Đây cũng là cách để các doanh nghiệp nội xem lại thị trường của mình, tại sao cũng cùng mảnh đất như nhau nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại tung giá bán cao gấp 3 giá của các dự án nội mà vẫn hút khách.

Hiện nay, có một thực tế là dòng tiền không đổ nhiều vào chứng khoán, vàng, ngoại tệ. Vậy liệu nó có đổ vào thị trường bất động sản vào cuối năm?

Đối với nhà đầu tư thì bất không nhất thiết là kênh bất động sản mà dù là kênh nào sinh lời thì nhà đầu tư có thể quay lại.

Từ nay đến cuối năm, nếu nhu cầu về nhà ở của mọi người tăng lên bởi hiện giá đang được xem là gần với giá gốc thì nhiều người có nhu cầu ở thật sẽ có nhiều khả năng quyết tâm mua nhà, đất để ở.

Đây hoàn toàn là dòng tiền lớn của thị trường và có thể là đòn bẩy giúp thị trường nóng lên vào những tháng cuối năm.

Vậy giới đầu tư có nên "ném" tiền vào thị trường bất động sản trong thời điểm cuối năm, theo ông?

Theo tôi, điều này phụ thuộc vào từng nhà đầu tư cụ thể. Tuy nhiên, từ xưa đến nay chưa bao giờ đầu tư vào bất động sản lại thất bại nếu các nhà đầu tư trường vốn và am hiểu về quy hoạch, pháp luật đặc biệt là những nhà đầu tư và công ty địa ốc có sự tham gia cùng của các ngân hàng thì chỉ có sinh lời.

Song cũng có không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ, không trường vốn nhưng họ rất thành công vì người ta nhận định đúng, lại có sự chỉ đường của các đại gia chuyên nghiệp hay xin được đầu tư một ít vào các dự án lớn, mặc dù vốn nhỏ nhưng vẫn thắng.

Trong khi đó, cũng có những doanh nghiệp lớn nhưng nếu ít thông tin đối chứng thì vẫn có thể sẽ bị lỗ nếu đầu tư vào dự án nhưng bị nợ dòng tiền...

Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm xuất hiện làn sóng đầu tư của thị trường là hơi khó, vì từ nay đến đấy, sẽ có hàng trăm dự án được “cởi trói” do vướng phải quy hoạch từ mấy năm trước, sẽ mở ra rất nhiều cơ hội, nhiều hàng để người dân lựa chọn.

Do đó, sẽ không xảy ra chuyện khan hiếm nguồn cung, nên khó có thể nói là sẽ có là sóng đầu tư như hồi giữa năm ngoái được.