Nhà đầu tư bán tháo, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất từ đầu năm
Thị trường chứng khoán Mỹ “rực lửa” trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan trả đũa
Thị trường chứng khoán Mỹ "rực lửa" trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan trả đũa lên hàng hóa Mỹ, đánh dấu bước leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cổ phiếu đã bị giới đầu tư bán tháo để chuyển vốn sang những tài sản được cho là bớt rủi ro hơn.
Theo tin từ Reuters, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều trượt dài trong phiên bán tháo trên diện rộng, trong đó chỉ số Nasdaq có phiên giảm mạnh nhất tính theo giá trị phần trăm từ đầu năm. Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cũng giảm mạnh nhất kể từ hôm 3/1.
Bất chấp lời cảnh báo Trung Quốc không nên trả đũa Mỹ mà Tổng thống Donald Trump đưa ra, Bắc Kinh tuyên bố áp thuế bổ sung đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Trước đó, vào hôm thứ Sáu, chính quyền ông Trump đã tăng thuế trừng phạt từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Những đòn "ăn miếng trả miếng" này đang thổi bùng nỗi lo sợ về một cuộc giảm tốc mạnh của nền kinh tế toàn cầu.
"Thị trường đang xem đây là một sự đổ vỡ của đàm phán thương mại và mọi thứ đang bị kéo tụt lại", chiến lược gia trưởng Michael O’Rourke thuộc JonesTrading nhận xét.
"Tình hình có thể sẽ rất xấu", ông O’Rourke nói thêm. "Có quá nhiều sự bấp bênh. Điều này sẽ dẫn tới sự giảm tốc thêm nữa trong nền kinh tế".
Song song với việc tháo chạy khỏi cổ phiếu, giới đầu tư đổ tiền vào những tài sản được xem là "vịnh tránh bão".
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống thấp hơn lợi suất tín phiếu kỳ hạn 3 tháng. Đây là sự đảo ngược đường cong lợi suất mà nhiều nhà phân tích và đầu tư xem là tín hiệu về một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Cùng với đó, giá vàng đạt mức cao nhất gần 3 tháng.
Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư, có mức tăng tuyệt đối mạnh nhất kể từ đầu năm.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 2,38%, còn 25.324,99 điểm. S&P 500 giảm 2,41%, còn 2.811,87 điểm. Nasdaq mất 3,41%, còn 7.647,02 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, duy nhất chỉ có nhóm dịch vụ tiện ích chốt phiên trong trạng thái tăng. Mức giảm mạnh nhất thuộc về các công ty công nghệ vốn có độ nhạy cảm cao với thông tin về xung đột thương mại.
Trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất phiên này, có nhiều công ty đặc biệt nhạy cảm với thuế quan Mỹ-Trung.
Như cổ phiếu Boeing giảm 4,9%, cổ phiếu Caterpillar sụt 4,6%, chỉ số Philadelphia Chip Index của cổ phiếu các hãng sản xuất con chip "bốc hơi" 4,7%. Đây là phiên giảm phần trăm mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 3/1 và nối tiếp cú giảm 6% trong tuần trước.
Cổ phiếu hãng công nghệ Apple lao dốc 5,8%. Không chỉ chịu sức ép của chiến tranh thương mại, cổ phiếu Apple còn bị đẩy xuống bởi một quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ cho phép tiến hành một vụ kiện chống độc quyền cáo buộc "táo khuyết" lũng đoạn thị trường ứng dụng iPhone.
Cổ phiếu ứng dụng gọi xe Uber tiếp tục lao dốc, giảm 10,8% trong phiên thứ hai với tư cách là một công ty đại chúng. Cổ phiếu đối thủ Uber là Lyft sụt 5,8%.
Cổ phiếu hãng xe chạy điện Tesla giảm 5,2%, xuống mức thấp nhất hơn 2 năm.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 4,81 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 5,12 lần.
Có tổng cộng 8,24 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,97 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.